Thứ Sáu, 18 tháng 3, 2011

GIỚI THIỆU KHÁI QUÁT 64 TỈNH THÀNH

GIỚI THIỆU KHÁI QUÁT 64 TỈNH THÀNH
(Trích Tài liệu của Bùi Xuân Vịnh, Phó khoa thường trực khoa Du lịch biên tập cho sinh viên Du lịch Đông Đô tham khảo năm 2007)

                               GIỚI THIỆU KHÁI QUÁT VỀ THÀNH PHỐ HÀ NỘI (1)  
I. Điều kiện địa lý tự nhiên
1. Vị trí địa lý:  Thủ đô Hà Nội nằm ở trung tâm đồng bằng Bắc Bộ. Hà Nội tiếp giáp với 5 tỉnh: Thái Nguyên ở phía Bắc; Bắc Ninh, Hưng Yên ở phía Đông; Vĩnh Phúc ở phía Tây; Hà Tây ở phía Nam. Vị trí địa lý và địa thế tự nhiên đã khiến cho Hà Nội sớm có một vai trò đặc biệt trong sự hình thành và phát triển của dân tộc Việt Nam. Từ năm 1010, Hà Nội đã được Vua Lý Công Uẩn chọn làm thủ đô của cả nước.
    Tính đến năm 2004, Hà Nội có 9 quận nội thành (Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Tây Hồ, Cầu Giấy, Thanh Xuân, Hoàng Mai, Long Biên ) với 125 phường, có diện tích 84,3 km² (chiếm 9% diện tích thành phố) và 5 huyện ngoại thành (Sóc Sơn, Đông Anh, Gia Lâm, Thanh Trì, Từ Liêm) với diện tích là 836,67 km² (chiếm 91% diện tích) với 99 xã5 thị trấn.
    Nghị quyết 15/NQ - TW ngày 15/12/2000 về “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển thủ đô Hà Nội trong thời kỳ 2001-2010” và Pháp lệnh Thủ đô đã xác định: “Hà Nội là trái tim của cả nước, đầu não về chính trị - hành chính, trung tâm lớn về văn hoá, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế”. Là trung tâm của vùng Bắc Bộ, là đầu mối giao thông quan trọng đi các tỉnh và là thủ đô của cả nước, Hà Nội có khả năng to lớn để thu hút các nguồn lực của cả nước, của bên ngoài cho sự phát triển của mình. Đồng thời, sự phát triển của Hà Nội có vai trò to lớn thúc đẩy sự phát triển của cả vùng, cũng như cả nước; sự phát triển của thủ đô Hà Nội là niềm tự hào của người dân Hà Nội, đồng thời cũng là niềm tự hào của đất nước, của dân tộc.
2. Đặc điểm địa hình:  Thành phố Hà Nội nằm ở vùng trung tâm đồng bằng châu thổ sông Hồng, độ cao trung bình từ 5 – 20 m so với mặt nước biển (chỉ có khu vực đồi núi phía Bắc và Tây Bắc của huyện Sóc Sơn thuộc rìa phía Nam của dãy núi Tam Đảo có độ cao từ 20 m – 400 m, với đỉnh cao nhất là núi Chân Chim cao 462 m). Địa hình Hà Nội thấp dần từ Bắc xuống Nam và từ Tây sang Đông.
    Địa hình chủ yếu của Hà Nội là địa hình đồng bằng được bồi đắp bởi các dòng sông với các bãi bồi hiện đại và các bãi bồi cao, ngoài ra còn có các vùng trũng với các hồ đầm (dấu vết của các dòng sông cổ). Riêng các bậc thềm sông chỉ có ở phần lớn huyện Sóc Sơn và ở phía Bắc huyện Đông Anh, nơi có địa thế cao so với các vùng của Hà Nội. Ngoài ra, Hà Nội còn có các dạng địa hình núi, tập trung ở khu vực đồi núi Sóc Sơn với diện tích không lớn lắm.
    Xét về mặt thời gian hình thành lớp phù sa, có thể phân bố thành phố Hà Nội thành 2 vùng: vùng phù sa cũ (đại bộ phận nằm ở phía tả ngạn sông Hồng, phía Tây quốc lộ 1. Đất được hình thành trên nền trầm tích thuộc thời kỳ thứ 4, khả năng chịu nén tốt). Vùng phù sa mới (nằm ở phía Nam ngoại thành Hà Nội, phần lớn ở huyện Gia Lâm, Thanh Trì, Từ Liêm. Đất ở đây chủ yếu do phù sa mới của sông Hồng hình thành, nền đất yếu hơn vùng trên)
    Trên cơ sở quá trình tạo thành và cấu trúc địa hình hiện đại, có thể phân bố lãnh thổ thành phố Hà Nội thành 2 vùng chính sau: vùng đồng bằng (địa hình đặc trưng của Hà Nội, chiếm tới 90% diện tích đất tự nhiên, bao gồm toàn bộ nội thành, các huyện Đông Anh, Gia Lâm, Từ Liêm, Thanh Trì và một phần phía Nam của huyện Sóc Sơn; Độ cao trung bình của vùng từ 4 – 10 m, cao nhất khoảng 20 m so với mặt nước biển. Nơi đây tập trung đông dân cư, với nền văn minh lúa nước, trồng hoa màu, chăn nuôi gia súc) và vùng đồi núi (chiếm 10% diện tích tự nhiên, tập trung chủ yếu ở phía Tây Bắc huyện Sóc Sơn. Địa hình của vùng khá phức tạp, phần lớn là các đồi núi thấp có độ dốc trên 8°, độ cao trung bình từ 50 - 100 m. Vùng này tầng đất rất mỏng, thích hợp phát triển các cây trồng lâm nghiệp).
3. Khí hậu: Hà Nội nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, quanh năm tiếp nhận được lượng bức xạ mặt trời dồi dào. Tổng lượng bức xạ trung bình hằng năm khoảng 120 kcal/cm², nhiệt độ trung bình năm 24°C, độ ẩm trung bình 80 - 82 %, lượng mưa trung bình 1.660 mm/năm.
    Đặc điểm khí hậu rõ nét nhất là sự thay đổi khác biệt giữa hai mùa nóng, lạnh. Từ tháng 5 đến tháng 9 là mùa nóng và mưa, từ tháng 11 năm trước đến tháng 4 năm sau là mùa lạnh và khô. Giữa hai mùa lại có 2 thời kỳ chuyển tiếp vào tháng 4 và tháng 10, nên xét ở góc độ khác có thể nói Hà Nội có đủ 4 mùa: xuân, hạ, thu, đông. Mùa xuân bắt đầu vào tháng 2 (hay tháng giêng âm lịch) kéo dài đến tháng 4. Mùa hạ bắt đầu từ tháng 5 đến tháng 8, nóng bức nhưng lại mưa nhiều. Mùa thu bắt đầu từ tháng 8 đến tháng 10, trời dịu mát, lá vàng rơi. Mùa đông bắt đầu từ tháng 11 đến tháng 1 năm sau, thời tiết giá lạnh, khô hanh. Ranh giới phân chia bốn mùa chỉ có tính chất tương đối, vì Hà Nội có năm rét sớm, có năm rét muộn, có năm nóng kéo dài, nhiệt độ lên tới 40°C, có năm nhiệt độ xuống thấp dưới 5°C.
II. Tài nguyên thiên nhiên
1. Tài nguyên đất: Tổng diện tích  đất tự nhiên của Hà Nội là 92.097 ha, trong đó diện tích đất ngoại thành chiếm 90,86%, nội thành chiếm 9,14%. Trong đó đất nông nghiệp chiếm tới 47,4%, đất lâm nghiệp chiếm 8,6%, đất  chuyên dùng chiếm 22,3%, đất nhà ở chiếm 12,7%, đất chưa sử dụng chiếm 9%.
    Hệ thống đất của Hà Nội gồm các nhóm: đất phù sa thuộc hệ thống sông Hồng vừa có quy mô diện tích lớn (91,4% diện tích nhóm) phân bố tập trung, vừa ít chua và hầu hết các chỉ tiêu lý hoá học đều cao hơn đất phù sa của các sông khác. Đất phù sa sông Hồng rất màu mỡ, màu nâu tươi, thành phần cơ giới trung bình, cấu tượng tốt, phản ứng từ trung tính đến kiềm tính yếu, thích hợp với nhiều loại cây trồng nhiệt đới. Đất phù sa được bồi đắp bởi các sông khác có màu nâu đậm, thành phần cơ giới nhẹ hơn đất phù sa sông Hồng; nhóm đất xám bạc màu (diện tích 17.663 ha, bằng 19,23% diện tích đất tự nhiên) tuy nghèo sét, nghèo dinh dưỡng song phân bố hầu hết ở địa bàn cao, thoát nước là điều kiện thuận lợi để gieo trồng cây trồng cạn; nhóm đất đỏ vàng (đất dốc) chiếm 8.386,3 ha. Tuy phân bố hầu hết ở địa hình dốc dưới 15°, độ phì đạt mức trung bình, song hầu hết tầng mỏng, chỉ thích hợp trồng cây hoa màu ngắn ngày, diện tích thích hợp với cây lâu năm chỉ có 780 ha ở tầng dày hơn 50 cm.
2. Tài nguyên rừng: Hà Nội có 6.740 ha đất rừng, chiếm 7,3% diện tích tự nhiên toàn thành phố, phân bố chủ yếu ở huyện Sóc Sơn và một phần không đáng kể ở huyện Đông Anh, Gia Lâm. Hà Nội không có rừng tự nhiên. Khu vực phụ cận quanh Hà Nội cách từ 50 - 100 km có những khu rừng nổi tiếng như Vườn quốc gia Cúc Phương, Vườn quốc gia Ba Vì, rừng Tam Đảo.
    Diện  tích rừng trồng của Hà Nội đạt 6.720 ha, chiếm 99,7% đất rừng toàn thành phố, trong đó huyện Sóc Sơn 6.656 ha, chiếm 99%. Rừng chủ yếu là bạch đàn, keo…Ngoài ra, còn có một số loại cây như sơn, gió, quế, cánh kiến, thông là những loại làm nguyên liệu cho công nghiệp và dược liệu. Tổng trữ lượng rừng nói chung khoảng 106.000 m³ gỗ bạch đàn và 286.000 tấn củi.
    Rừng của Hà Nội là tài nguyên quan trọng để cân bằng môi trường sinh thái, chống thoái hoá đất đồi. Ngoài ra, rừng còn tạo ra cảnh quan thiên nhiên phục vụ cho các hoạt động du lịch, xây dựng các khu nghỉ dưỡng cuối tuần của nhân dân và du khách.
3. Tài nguyên khoáng sản:  Khoáng sản của Hà Nội và vùng phụ cận rất phong phú và đa dạng. Trên diện tích 35.000 km² của Hà Nội và vùng phụ cận có hơn 800 mỏ và điểm quặng của gần 40 loại khoáng sản khác nhau đã được phát hiện và đánh giá, khai thác ở các mức độ khác nhau. Khoáng sản cháy rắn có than đá, than nâu, than bùn: đã phát hiện 51 mỏ quặng và điểm quặng, trong đó có 2 mỏ trung bình, 18 mỏ nhỏ, tổng trữ lượng  khoảng hơn 200 triệu tấn, chủ yếu là than đá (gần 190 triệu tấn), phân bố theo 2 hướng: Tây Hà Nội và Đông Hà Nội. Khoáng sản kim loại đen có trữ lượng 393,7 triệu tấn chủ yếu phân bố ở phía Bắc – Tây Bắc Hà Nội; măng gan và titan trữ lượng không đáng kể. Khoáng sản kim loại màu: có khoảng 42 mỏ và điểm quặng đồng, chì, kẽm, trữ lượng thấp; khoáng sản kim loại quý chủ yếu là vàng: xác định tại Hà Nội và vùng lân cận có 20 mỏ và điểm quặng vàng; trong đó có 4 mỏ được đánh giá sơ bộ có trữ lượng dưới 1 tấn (Trại Cau, Hòn Khê, Na Lương, Chợ Bến). Khoáng sản vật liệu xây dựng: Hà Nội và khu vực xung quanh có 2/3 diện tích là đồi núi, phần lớn là đá vôi và các loại mác ma khoảng 1/3 diện tích còn lại là vùng đồng bằng lấp đầy các loại sét, cát, cuội, sỏi; đá vôi có trữ lượng khoảng 4 tỉ tấn; đá hoa có trữ lượng 80 triệu tấn; có khoảng 85 mỏ sét các loại trữ lượng khoảng 1 tỉ tấn, trong đó sét gạch ngói là chủ yếu, số còn lại là sét chịu lửa, sét gốm sứ. Các mỏ sét này đều được lộ ra trên mặt đất và hầu hết đang được khai thác. Các loại đá vụn: cuội, sỏi, cát, đá ong…đều có trữ lượng đáng kể, chất lượng tốt, đá được sử dụng rộng rãi trong xây dựng và sản xuất công nghiệp.
III. Tiềm năng kinh tế
1. Những lĩnh vực kinh tế lợi thế:  Hà Nội nằm trên châu thổ sông Hồng và là trung tâm của miền Bắc Việt Nam – là nơi hội tụ nhiều điều kiện thuận lợi về kinh tế, văn hoá, thương mại, giao dịch quốc tế và du lịch.
    Hệ thống mạng lưới giao thông đồng bộ, bao gồm đường bộ, đường sông, đường sắt, và đường hàng không, đã khiến Hà Nội trở thành một địa điểm thuận lợi để phát triển các ngành công nghiệp. Các tập đoàn lớn như Canon, Yamaha, Motor và hàng trăm các nhà sản xuất hàng đầu thế giới đã thành lập nhà máy tại đây.
2. Tiềm năng du lịch:  Các yếu tố địa hình, địa chất, thời tiết, khí hậu của Hà Nội thuận lợi cho phát triển thực vật, cây cối bốn mùa xanh tốt, có điều kiện xây dựng một “thành phố xanh, sạch, đẹp”, tạo sức hút lớn đối với khách du lịch cả trong nước và quốc tế. Hệ thống sông, hồ của Hà Nội với sông Hồng, sông Đuống và nhiều hồ lớn phân bố ở cả nội và ngoại thành tạo cho thủ đô có sức hấp dẫn lớn về du lịch. Một số hồ có tiềm năng độc đáo như: Hồ Tây, Đầm Vân Trì, Hồ Linh Đàm…
    Qua hàng nghìn năm phát triển, Hà Nội luôn là trung tâm văn hoá lớn có sức hấp dẫn của cả nước. Hệ thống tài sản văn hoá đặc sắc như: Chùa Một Cột, Văn Miếu Quốc Tử Giám, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh… Các lễ hội ở Hà Nội phong phú, đa dạng, đặc sắc và đậm đà bẳn sắc dân tộc, với 259 lễ hội dân gian, tiêu biểu như lễ hội Cổ Loa, Hội Gióng, Hội Đền Hai Bà Trưng, Hội Đống Đa…
    Dân cư và phong tục tập quán mang đậm nét người Tràng An với truyền thống thanh lịch, mến khách và những nét độc đáo trong văn hoá ẩm thực. Xen lẫn những kiến trúc hiện đại, Hà Nội vẫn giữ được thành cổ, nhiều khu phố cổ, làng cổ với những nét kiến trúc đặc sắc và đa dạng của một thủ đô ngàn năm văn hiến.
    Hà Nội còn nổi tiếng từ xưa với những nghề và làng nghề thủ công tinh xảo như: làm tranh dân gian Hàng Trống, làm gốm sứ Bát Tràng, đúc đồng Ngũ Xá, chạm khảm Vân Hà

GIỚI THIỆU KHÁI QUÁT VỀ THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH (2)
I. Điều kiện tự nhiên
1. Vị trí địa lý:  Thành phố Hồ Chí Minh có địa giới hành chính chung với các tỉnh Bình Dương ở phía Bắc, Tây Ninh ở phía Tây Bắc, phía Đông và Đông Bắc giáp Đồng Nai, phía Đông Nam giáp Bà Rịa - Vũng Tàu, phía Tây và Tây Nam giáp Long An và Tiền Giang, phía Nam giáp biển Đông với chiều dài bờ biển khoảng 15 km.
Thành phố Hồ Chí Minh nằm ở trung tâm Nam Bộ, cách thủ đô Hà Nội 1.738 km về phía Đông Nam. Là thành phố cảng lớn nhất đất nước, hội tụ đủ các điều kiện thuận lợi về giao thông đường bộ, đường thuỷ, đường sắt, đường hàng không, là một đầu mối giao thông kinh tế lớn nối liền với các địa phương trong nước và quốc tế. Ngày 05/11/2003, Chính phủ ban hành Nghị định số 130/2003/NĐ – CP về việc thành lập các quận Bình Tân, Tân Phú và các phường trực thuộc; điều chỉnh địa giới hành chính các phường thuộc quận Tân Bình;  thành lập xã, thị trấn thuộc các huyện Bình Chánh, Cần Giờ và Hóc Môn, thành phố Hồ Chí Minh. Như vậy, hiện nay thành phố Hồ Chí Minh có 19 quận và 5 huyện.
2. Đặc điểm địa hình:  Địa hình thành phố Hồ Chí Minh phần lớn bằng phẳng, có ít đồi núi ở phía Bắc và Đông Bắc, với độ cao giảm dần theo hướng Đông Nam. Nhìn chung có thể chia địa hình thành phố Hồ Chí Minh thành 4 dạng chính có liên quan đến chọn độ cao bố trí các công trình xây dựng: dạng đất gò cao lượn sóng (độ cao thay đổi từ 4 đến 32 m, trong đó 4 – 10 m chiếm khoảng 19% tổng diện tích. Phần cao trên 10 m chiếm 11%, phân bố phần lớn ở huyện Củ Chi, Hóc Môn, một phần ở Thủ Đức, Bình Chánh); dạng đất bằng phẳng thấp (độ cao xấp xỉ 2 đến 4 m, điều kiện tiêu thoát nước tương đối thuận lợi, phân bố ở nội thành, phần đất của Thủ Đức  và Hóc Môn nằm dọc theo sông Sài Gòn và nam Bình Chánh chiếm 15% diện tích); dạng trũng thấp, đầm lầy phía tây nam (độ cao phổ biến từ 1 đến 2 m, chiếm khoảng 34% diện tích); dạng trũng thấp đầm lầy mới hình thành ven biển (độ cao phổ biến khoảng 0 đến 1 m, nhiều nơi dưới 0 m, đa số chịu ảnh hưởng của thuỷ triều hàng ngày, khoảng 21% diện tích).
3. Khí hậu:  Thành phố nằm trong vùng nhiệt đới gió mùa, mang tính chất cận xích đạo. Lượng bức xạ dồi dào, trung bình khoảng 140 kcal/cm2/năm, nắng trung bình 6,8 giờ/ngày. Nhiệt độ trung bình năm khoảng 27,50C. Biên độ trung bình giữa các tháng trong năm thấp là điều kiện thuận lợi cho sự tăng trưởng và phát triển quanh năm của động thực vật. Ngoài ra, thành phố có thuận lợi là không trực tiếp chịu tác động của bão lụt.
     Nằm ở hạ lưu của hệ thống sông Đồng Nai – Sài Gòn với địa hình tương đối bằng phẳng, chế độ thuỷ văn, thuỷ lực của kênh rạch và sông ngòi không những chịu ảnh hưởng mạnh của thuỷ triều biển Đông mà còn chịu tác động rất rõ nét của việc khai thác các bậc thang hồ chứa ở thượng lưu hiện nay và trong tương lai (như các hồ chức Trị An, Dầu Tiếng, Thác Mơ…).
     Thành phố nằm giữa hai con sông lớn là: sông Sài Gòn, sông Vàm Cỏ Đông và chịu ảnh hưởng lớn của sông Đồng Nai, sông Sài Gòn là sông có độ dốc nhỏ, lòng dẫn hẹp nhưng sâu, ít khu chứa nên thuỷ triều truyền vào rất sâu và mạnh. Chế độ thuỷ văn, thuỷ lực của kênh rạch trong thành phố chịu ảnh hưởng chủ yếu của sông Sài Gòn. Sông Vàm Cỏ Đông rất sâu, nhưng lại nghèo về nguồn nước do vậy vào mùa khô mặn thường xâm nhập sâu vào đất. Vàm Cỏ Đông có rất nhiều nhánh và kênh rạch nối với sông Vàm Cỏ Tây và Đồng Tháp Mười. Do vậy khi dòng triều truyền vào bị biến dạng và giảm biên độ đáng kể. Sông Đồng Nai là nguồn nước ngọt chính của thành phố với diện tích lưu vực khoảng 45.000 km2, hàng năm cung cấp khoảng 15 tỷ m3 nước. Trong tương lai khi có hồ chứa Phước Hoà, sông Sài Gòn sẽ được bổ sung một lưu lượng khoảng 42 m3/s góp phần đáp ứng yêu cầu cấp nước của thành phố..
     Hệ thống kênh rạch của thành phố có hai hệ thống chính. Hệ thống các kênh rạch đổ vào sông Sài Gòn với hai nhánh chính là: rạch Bến Cát và kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Hệ thống các kênh rạch đổ vào sông Bến Lức, và kênh Đôi – kênh Tẻ như: rạch Tân Kiên, rạch Bà Hom, rạch Tân Hoá – Lò Gốm…
II. Tài nguyên thiên nhiên
1. Tài nguyên đất:  Tiềm năng đất đai trên phạm vi địa bàn thành phố có nhiều hạn chế về diện tích và phẩm chất. Ngoại trừ phần nội thành, phần ngoại thành có thể chia thành các nhóm đất chính sau đây: nhóm đất phèn trung bình và phèn nhiều (chiếm 27,5% tổng số diện tích - loại đất phèn trung bình đang phát triển cây lúa, còn loại phèn nhiều hay phèn mặn tuỳ theo mức độ cải tạo đang phát triển các loại cây mía, thơm, lác); nhóm đất phù sa không hoặc ít bị nhiễm phèn (chiếm 12,6% - đây là nhóm đất thuận lợi cho phát triển cây lúa, trong đó loại đất phù sa ngọt có 5.200 ha cho năng suất lúa rất cao); nhóm đất xám phát triển trên phù sa cổ (chiếm khoảng 19,3% - nhóm đất này thích hợp cho phát triển cây công nghiệp hàng năm, cây công nghiệp ngắn ngày và rau đậu..); nhóm đất mặn (chiếm 12,2%  phân bố ở Cần Giờ, chủ yếu dùng cho việc trồng rừng, đặc biệt là cây đước).
     Ngoài ra còn có các nhóm đất khác như đất đỏ vàng chiếm 1,5% phân bố trên vùng đồi gò ở Củ Chi và Thủ Đức dùng cho xây dựng cơ bản, nhóm đất cồn cát, đất cát biển chiếm 3,2% và các loại đất khác, sông suối chiếm 23,7%.
2. Tài nguyên khoáng sản:  Tài nguyên khoáng sản trên địa bàn thành phố chủ yếu là vật liệu xây dựng như sét gạch ngói, cát, sạn, sỏi; nguyên liệu cho gốm sứ và chất trợ dụng; các nguyên liệu khác như than bùn…
     Chỉ có một số khoáng sản có thể đáp ứng một phần cho nhu cầu của thành phố: nguyên liệu làm vật liệu xây dựng, sành sứ thuỷ tinh, nguyên nhiên liệu…Các khoáng sản khác như kim loại đen, kim loại màu (trừ nhôm), than đá.. đều không có triển vọng hoặc chưa được phát hiện.
III. Tiềm năng kinh tế
1. Những lợi thế so sánh:  Phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh gắn liền với tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước; dựa trên lợi thế so sánh, vai trò và vị trí của thành phố Hồ Chí Minh đối với khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam, miền Đông Nam Bộ, đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên và cả nước, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng gia tăng tỷ trọng khu vực dịch vụ, phát triển kinh tế hướng mạnh về xuất khẩu.
2. Tiềm năng du lịch:  Do có vị trí địa lý thuận lợi, khí hậu ôn hoà, quanh năm hai mùa mưa nắng, cùng với lịch sử trên 300 năm đấu tranh quật khởi kiên cường chống ngoại xâm đã từng có tiếng vang trên thế giới và nền văn hoá đậm đà bản sắc dân tộc, thành phố Hồ Chí Minh đã trở thành trung tâm du lịch của cả nước.
     Thành phố Hồ Chí Minh hấp dẫn du khách không chỉ vì có nhiều danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử văn hoá, công trình kiến trúc cổ mà còn thu hút du khách bởi văn hoá ẩm thực mang đậm nét Nam bộ. Là cửa ngõ của đất phương Nam, ngay tại trung tâm thành phố, từ bến Bạch Đằng, du khách có thể xuống thuyền xuôi theo sông Sài gòn để được hoà mình với thiên nhiên bao la của sông nước, hướng về những làng nghề truyền thống, vườn cây ăn trái xum suê, vườn cây kiểng, chợ nổi trên sông hay khu du lịch sinh thái Cần Giờ - khu du lịch được UNESCO công nhận là "Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn" đầu tiên của Việt Nam… Thành phố còn là cửa ngõ đưa du khách đến với những địa danh nổi tiếng của cả khu vực phía Nam như: vùng nước nóng thiên nhiên Bình Châu, rừng nguyên sinh Nam Cát Tiên, vùng biển Mũi Né, vùng ven biển Hà Tiên, Đà Lạt, đồng bằng sông Cửu Long nổi tiếng với những vựa lúa, vườn cây trái, rừng ngập mặn, rừng tràm, đồng bưng và nhiều loại đặc sản quý hiếm .
     Kể từ năm 1990 trở lại đây, doanh thu du lịch của thành phố luôn chiếm từ 28% - 35% doanh thu du lịch của cả nước. Từ khi có chính sách mở cửa, số khách du lịch, nhất là khách quốc tế đến thành phố Hồ Chí Minh đã tăng với tốc độ cao, từ chỗ có 180.000 khách quốc tế vào năm 1990, đến nay đã có hàng triệu khách quốc tế mỗi năm, chiếm trên 50% - 70% lượng khách quốc tế vào Việt Nam. Sự tăng trưởng nhanh của khách du lịch quốc tế đến Việt Nam và vào thành phố Hồ Chí Minh là kết quả của chính sách mở cửa và hội nhập thế giới, sự cải tạo và nâng cấp cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du khách, sự khuyến khích đầu tư nước ngoài mà thành phố Hồ Chí Minh luôn là địa phương đi đầu trong cả nước trong sự nghiệp đổi mới trong lĩnh vực đời sống xã hội.
     Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố ngập tràn ánh nắng, chói chang trên khắp phố phường, lung linh trên những dòng sông uốn lượn, với những nụ cười và ánh mắt thân thiện của người dân Sài Gòn – thành Phố Hồ Chí Minh, những con người đã làm nên truyền thống vẻ vang của mình với vẻ đẹp của “cốt cách văn hoá phương Nam” : yêu nước, thương nòi; đoàn kết thống nhất, kiên cường trong đấu tranh dựng nước và giữ nước; coi trọng nhân nghĩa; biết hội nhập văn hoá để phát triển… đã trở thành "Ðiểm đến của thiên niên kỷ mới", thu hút du khách ở khắp mọi miền của Tổ quốc và trên thế giới.

GIỚI THIỆU KHÁI QUÁT VỀ TỈNH AN GIANG (3)
I. Điều kiện tự nhiên
1. Vị trí địa lý:  An Giang là tỉnh thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long, phía Đông và phía Bắc giáp tỉnh Đồng Tháp, phía Tây Bắc giáp Campuchia với đường biên giới dài gần 100 km, phía Nam và Tây Nam giáp tỉnh Kiên Giang, phía Đông Nam giáp thành phố Cần Thơ. Diện tích tự nhiên của tỉnh là 3.506 km.
2. Khí hậu:  An Giang nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, trong năm có 2 mùa rõ rệt: mùa mưa và  mùa khô. Nhiệt độ trung bình hàng năm khoảng 270C, lượng mưa trung bình năm khoảng 1.130 mm. Độ ẩm trung bình 75 – 80%. Khí hậu cơ bản thuận lợi cho phát triển nông nghiệp.
II. Tài nguyên thiên nhiên
1. Tài nguyên đất:  An Giang có 37 loại đất khác nhau, hình thành 6 nhóm đất chính, trong đó chủ yếu là nhóm đất phù sa trên 151.600 ha, chiếm 44,5%. Đất đai của An Giang phần lớn màu mỡ vì 72% diện tích là đất phù sa hoặc có phù sa, địa hình bằng phẳng, thích nghi đối với nhiều loại cây trồng.
2. Tài nguyên rừng:  An Giang có trên 583 ha rừng tự nhiên thuộc loại rừng ẩm nhiệt đới, đa số là cây lá rộng, với 154 loài cây quý hiếm thuộc 54 họ, ngoài ra còn có 3.800 ha rừng tràm. Sau một thời gian diện tích rừng bị thu hẹp, những năm gần đây tỉnh đã chú ý nhiều tới việc gây lại vốn rừng. Động vật rừng An Giang khá phong phú và có nhiều loại quí hiếm.
3.Tài nguyên khoáng sản: So với các tỉnh trong vùng đồng bằng sông Cửu Long, An Giang có tài nguyên khoáng sản khá phong phú, với trữ lượng khá; đá granít trên 7 tỷ m3; đá cát kết 400 triệu m3; cao lanh 2,5 triệu tấn; than bùn 16,4 triệu tấn; vỏ sò 30 – 40 triệu m3; ngoài ra còn có các loại puzolan, fenspat, bentonite, cát sỏi,…
III. Tiềm năng kinh tế
1. Tiềm năng du lịch: An Giang là tỉnh có tiềm năng du lịch. Du lịch của tỉnh tập trung vào các lĩnh vực văn hoá, du lịch sinh thái, du lịch vui chơi giải trí và du lịch nghỉ dưỡng.
2. Những lợi thế so sánh: Tài nguyên khoáng sản là lợi thế của tỉnh An Giang so với các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long khác: nguồn đá, cát, đất sét là nguyên liệu quý của ngành công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng, đáp ứng nhu cầu rất lớn của vùng đồng bằng sông Cửu Long về vật liệu xây dựng.

GIỚI THIỆU KHÁI QUÁT VỀ TỈNH BÀ RỊA – VŨNG TÀU (4)
I. Điều kiện tự nhiên
1. Vị trí địa lý: Bà Rịa - Vũng Tàu thuộc vùng Đông Nam Bộ, nằm trong vùng trọng điểm kinh tế phía Nam. Lãnh thổ của tỉnh gồm hai phần: đất liền và hải đảo. Bà Rịa - Vũng Tàu có địa giới hành chính chung dài 16,33 km với thành phố Hồ Chí Minh ở phía Tây, 116,5 km với Đồng Nai ở phía Bắc, 29,26 km với Bình Thuận ở phía Đông, Nam và Tây Nam là biển Đông. Chiều dài bờ biển là 305,4 km với trên 100.000 km2 thềm lục địa. Bà Rịa - Vũng Tàu có 5 huyện, trong đó có 1 huyện đảo, 1 thành phố, 1 thị xã. Ngày 09/12/2003, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 152/2003/NĐ - CP về việc thành lập xã, phường thuộc thành phố Vũng Tàu và huyện Tân Thành, chia huyện Long Đất thành huyện Long Điền và huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
    Bà Rịa - Vũng Tàu nằm trên trục đường xuyên Á, có hệ thống cảng biển, sân bay và mạng lưới đường sông, đường biển thuận lợi. Các đường quốc 51, 55, 56 cùng với hệ thống đường tỉnh lộ, huyện lộ là những mạch máu chính gắn kết quan hệ toàn diện của Bà Rịa - Vũng Tàu với các tỉnh khác trong cả nước và quốc tế.
2. Đặc điểm địa hình: Địa hình toàn vùng phần đất liền có xu hướng dốc ra biển. Tuy nhiên ở sát biển vẫn có một số núi cao. Núi có độ cao lớn nhất chỉ khoảng 500 m. Phần đất liền (chiếm 96% diện tích của tỉnh) thuộc bậc thềm cao nguyên Di Linh – vùng Đông Nam Bộ, độ nghiêng từ tây bắc xuống đông nam, giáp biển Đông. Quần đảo Côn Đảo (chiếm 4% diện tích của tỉnh) gồm 16 đảo lớn nhỏ, trong đó đảo Côn Sơn có diện tích lớn nhất rộng 57,5 km2, cách Vũng Tàu 180 km.
    Toàn tỉnh có hơn ¾ diện tích đồi núi, thung lũng thấp, có trên 50 ngọn núi cao 100 m trở lên, khi ra biển tạo thành nhiều vũng, vịnh, mũi, bán đảo, đảo. Độ cao trên 400 - 500 m có núi Ông Trịnh, núi Chúa, núi Thánh Giá. Địa hình tập trung vào 4 loại đặc trưng (đồng bằng hẹp, các núi, gò đồi, thềm lục địa).
3. Khí hậu: Bà Rịa - Vũng Tàu nằm trong vùng nhiệt đới gió mùa, chịu ảnh hưởng của đại dương. Nhiệt độ trung bình khoảng 270C; sự thay đổi nhiệt độ của các tháng trong năm không lớn. Số giờ nắng trong năm dao động trong khoảng 2.370 – 2.850 giờ và phân phối đều các tháng trong năm.
    Lượng mưa trung bình hàng năm thấp (khoảng 1.600 mm) và phân bố không đều theo thời gian, tạo thành hai mùa rõ rệt: mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 11, chiếm 90% lượng mưa cả năm; và 10% tổng lượng mưa tập trung vào mùa khô là các tháng còn lại trong năm.
    Khí hậu Bà Rịa - Vũng Tàu nhìn chung mát mẻ, rất phù hợp với du lịch, thuận lợi cho phát triển các loại cây công nghiệp dài ngày (như tiêu, điều, cao su, cà phê) và cho phát triển một nền lâm nghiệp đa dạng.
II. Tài nguyên thiên nhiên
1. Tài nguyên nước: Nguồn nước mặt của Bà Rịa - Vũng Tàu chủ yếu do ba con sông lớn cung cấp, đó là sông Thị Vải, đoạn chảy qua tỉnh dài 25 km, sông Dinh đoạn chảy qua tỉnh dài 30 km, sông Ray dài 120 km. Trên các con sông này có 3 hồ chứa lớn là hồ Đá Đen, hồ sông Ray, hồ Châu Pha…
    Bên cạnh đó, nguồn nước ngầm của tỉnh cũng khá phong phú, tổng trữ lượng có thể khai thác là 70.000 m3/ngày đêm, tập trung vào ba khu vực chính là: Bà Rịa – Long Điền 20.000 m3/ngày đêm; Phú Mỹ - Mỹ Xuân 25.000 m3/ngày đêm; Long Đất – Long Điền 15.000 m3/ngày đêm. Ngoài ba vùng trên, khả năng khai thác nước ngầm rải rác khoảng 10.000 m3/ngày đêm. Nước ngầm trong tỉnh nằm ở độ sâu 60 - 90 m, có dung lượng dòng chảy trung bình từ 10 - 20 m3/s nên khai thác tương đối dễ dàng. Các nguồn nước ngầm có thể cho phép khai thác tối đa 500.000 m3/ngày đêm, bảo đảm cung cấp đủ nước cho nông nghiệp, công nghiệp và cho sinh hoạt.
2. Tài nguyên đất: Với diện tích 197.514 ha, chia thành 4 loại: đất rất tốt là loại đất có độ phì rất cao, chiếm 19.60% diện tích tự nhiên, chủ yếu là đất phù sa và đất xám; đất tốt chiếm 26,40%; đất trung bình chiếm 14,4%; còn lại 39,60% là đất nhiễm phèn, mặn, đất xói mòn.
    Đánh giá các loại đất của Bà Rịa - Vũng Tàu cho thấy: nhóm đất có ý nghĩa lớn cho sản xuất nông – lâm nghiệp chiếm 60%, tỷ trọng này tương đối lớn so với nhiều tỉnh trong cả nước. Nhóm đất này bao gồm đất phù sa, đất xám, đất đen và đất đỏ vàng. Điều này cho phép tỉnh có thể phát triển một nền nông nghiệp đủ mạnh. Ngoài ra, còn một tỷ trọng lớn đất không thuận lợi cho phát triển nông nghiệp bao gồm đất cát, đất nhiễm phèn, mặn, đất xói mòn…
3. Tài nguyên rừng: Diện tích rừng của Bà Rịa - Vũng Tàu không lớn. Đất có khả năng trồng rừng là 38.850 ha, chiếm 19,7% diện tích tự nhiên, trong đó đất hiện đang có rừng là  30.186 ha (rừng tự nhiên là 15.993 ha, rừng trồng là 14.253 ha), như vậy còn khoảng 8,664 ha đất lâm nghiệp chưa có rừng.
    Hiện nay tỉnh có hai khu rừng nguyên sinh là: khu bảo tồn thiên nhiên Bình Châu - Phước Bửu có diện tích 11.392 ha và khu vườn quốc gia Côn Đảo diện tích gần 5.998 ha. Tài nguyên rừng đang có xu hướng giảm, các loại rừng giàu (trữ lượng gỗ trên 180 m3/ha) không còn, rừng trung bình chỉ còn lại 1,5% diện tích có rừng. Trước kia trong rừng có trên 700 loài gỗ, thảo mộc và hơn 200 loài động vật trong đó có nhiều loại gỗ và động vật quý hiếm nhưng đến nay hầu như các loại gỗ và động vật quý hiếm không còn.
    Rừng của Bà Rịa - Vũng Tàu chỉ có tầm quan trọng trong tạo cảnh quan, môi trường, phòng hộ và phát triển du lịch, còn việc khai thác rừng lấy gỗ, nguyên liệu không lớn.
4. Tài nguyên khoáng sản: Bà Rịa - Vũng Tàu có nhiều loại khoáng sản, nhưng đáng kể nhất là dầu mỏ, khí thiên nhiên và khoáng sản làm vật liệu xây dựng, Bà Rịa - Vũng Tàu nằm trong vùng có tiềm năng lớn về dầu mỏ và khí thiên nhiên của Việt Nam. Tổng trữ lượng tiềm năng dầu khí theo xác minh năm 2000 vào khoảng 2.500 – 3.500 triệu m3 (bao gồm dầu 957 triệu m3, khí 1.500 tỷ m3). Trong tổng trữ lượng dầu khí đã xác minh, vùng biển Bà Rịa - Vũng Tàu có trữ lượng là 400 triệu m3 dầu, chiếm 93,29% trữ lượng cả nước; trữ lượng dầu khí khoảng trên 100 tỷ m3, chiếm 16,2% trữ lượng khí cả nước.
    Dầu mỏ và khí đốt của Bà Rịa - Vũng Tàu phân bố chủ yếu ở bể Cửu Long và bể Nam Côn Sơn. Bể Cửu Long trữ lượng khai thác khoảng 170 triệu tấn dầu và 28 – 41 tỷ m3 khí. Trong đó, mỏ Bạch Hổ trữ lượng 100 triệu tấn dầu và 25 - 27 tỷ m3 khí, mỏ Rồng trữ lượng 10 triệu tấn dầu và 2 tỷ m3 khí, mỏ Hồng Ngọc và Rạng Đông trữ lượng 50 - 70 triệu tấn dầu và 10 - 15 tỷ m3 khí. Bể Cửu Long có điều kiện khai thác tốt nhất do nằm không xa bờ, trong vùng biển nông (độ sâu đáy <50 m), thuộc khu vực không có bão lớn. Bể Nam Côn Sơn: trong 60 cấu tạo phát hiện, có nhiều cấu tạo đã khoan thăm dò và có dấu hiệu như Dừa, Mùa (lô 8), Đại Hùng, Thanh Long (các lô 05, 11, 12, 06, 04); các mỏ có triển vọng là Đại Hùng, Thanh Long, Lan Tây, Lan Đỏ, Mộc Tinh, Rồng Bay, Mỏ Đại Hùng đã đi vào khai thác từ tháng 10 - 1994, trữ lượng khai thác dao động trong khoảng 30 - 50 triệu tấn dầu và 6 - 10 tỷ m3 khí. Trữ lượng mỏ Lan Tây là 42 tỷ m3 khí, Lan Đỏ 14 tỷ m3 khí, sau đó có thể đưa lên 80 tỷ m3 cho cả 2 mỏ.
    Tài nguyên dầu khí với tổng trữ lượng tiềm năng và tổng trữ lượng đã xác minh, đủ điều kiện để tỉnh phát triển công nghiệp dầu khí thành ngành công nghiệp mũi nhọn trong chiến lược phát triển công nghiệp cả nước và đưa Bà Rịa - Vũng Tàu thành một trung tâm khai thác và chế biến dầu khí lớn nhất Việt Nam.
    Khoáng sản làm vật liệu xây dựng của Bà Rịa - Vũng Tàu rất đa dạng, bao gồm: đá xây dựng, đá ốp lát, phụ gia xi măng, cát thuỷ tinh, bentonit, sét gạch ngói, cao lanh, cát xây dựng, than bùn, immenit… Hiện nay, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã xây dựng 19 mỏ với tổng trữ lượng 32 tỷ tấn, phân bố ở hầu khắp các huyện trong tỉnh, nhưng chủ yếu ở các huyện Tân Thành, Long Đất, thị xã Bà Rịa và thành phố Vũng Tàu. Chất lượng đá khá tốt, có thể dùng làm đá dăm, đá hộc cho xây dựng; giao thông, thuỷ lợi, đá khối cho xuất khẩu. Nhìn chung các mỏ nằm gần đường giao thông nên khai thác thuận lợi.
    Đá ốp lát có 8 mỏ lớn với tổng trữ lượng 1.324 triệu m3, chủ yếu nằm ở huyện Côn Đảo. Chất lượng đá tốt, màu sắc đẹp, nguyên khối lớn; phụ gia xi măng có 6 mỏ thuộc 3 huyện Long Đất, Xuyên Mộc và thị xã Bà Rịa, tổng trữ lượng 44 triệu tấn. Các mỏ đều có điều kiện khai thác thuận lợi, có thể khai thác làm chất kết dính, phụ gia xi măng. Tuy nhiên do xa nơi tiêu thụ nên giá thành cao, ít có ý nghĩa kinh tế; cát thuỷ tinh, có 3 mỏ thuộc hai huyện Xuyên Mộc và Tân Thành, tổng trữ lượng 41 triệu tấn, chủ yếu là cát trắng thạch anh và cát thuỷ tinh. Điều kiện khai thác thuận lợi nhưng chất lượng cát chỉ ở mức trung bình có thể sử dụng làm thuỷ tinh cấp thấp như bao bì và hàng dân dụng.
    Ngoài ra, Bà Rịa - Vũng Tàu còn có một trữ lượng đáng kể các loại khoáng sản vật liệu xây dựng khác như sét gạch ngói, cao lanh, cát xây dựng, bentonit… nằm rải rác ở nhiều nơi, cho phép hình thành ngành công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng rộng khắp tỉnh.
5. Tài nguyên biển:  Bà Rịa - Vũng Tàu có bờ biển dài 305,4 km, trong đó khoảng 70 km có bãi cái thoai thoải, nước xanh, có thể dùng làm bãi tắm quanh năm. Vịnh Giành Rái rộng khoảng 50 km2 có thể xây dựng một hệ thống cảng hàng hải.
    Với diện tích thềm lục địa trên 100.000 km2 đã tạo cho tỉnh không những có vị trí quan trọng về an ninh quốc phòng, mà còn tạo ra một tiềm năng to lớn để phát triển các ngành kinh tế biển.
    Thềm lục địa của Bà Rịa - Vũng Tàu  có 661 loài cá, 35 loài tôm, 23 loài mực, hàng ngàn loài tảo, trong đó có nhiều loài có giá trị kinh tế cao. Trữ lượng hải sản có thể khai thác tối đa hàng năm từ 150.000 – 170.000 tấn.
    Tài nguyên biển của Bà Rịa - Vũng Tàu rất thuận lợi cho phát triển vận tải biển, hệ thống cảng, du lịch và công nghiệp khai thác, chế biến hải sản.
III. Tiềm năng kinh tế
1. Tiềm năng du lịch: Bà Rịa - Vũng Tàu có nhiều di tích lịch sử, văn hoá được phân bố đều khắp trên các huyện (đã được Nhà nước công nhận xếp hạng di 25 di tích). Hầu hết di tích hiện có đều có khả năng khai thác phục vụ mục đích tham quan du lịch như khu Đình Thắng Tam. Thích Ca Phật Đài, Niết Bàn Tịch Xá, Tượng chúa Giêsu, Khu Bạch Dinh, Tháp đèn Hải Đăng… và các di tích lịch sử cách mạng như địa đạo Long  Phước, khu căn cứ kháng chiến Bàu Sen, căn cứ núi Minh Đạm,… đặc biệt là khu nhà tù Côn Đảo và khu nghĩa trang Hàng Dương.
    Hoạt động lễ hội phong phú như: lễ hội Miếu Bà hàng năm diễn ra vào các ngày 16, 17, 18 tháng 10 âm lịch; lễ hội rước cá Ông tại Đình Thắng Tam vào các ngày 16, 17, 18 tháng 6 âm lịch với những hình thức tế lễ riêng của ngư dân miền Biển; lễ Trùng Cửu ngày 9 tháng 9 âm lịch hàng năm diễn ra ở Long Sơn thành phố Vũng Tàu; lễ Cô ở Long Hải vào các ngày 11, 12, 13 tháng 2 âm lịch. Các lễ hội là dịp thu hút khách du lịch từ khắp nơi về tế lễ kết hợp tham quan du lịch, tắm biển.
    Sự gắn kết của các điều kiện tự nhiên (các bãi tắm, rừng nguyên sinh, các ngọn núi…) và các danh lam thắng cảnh, các di tích lịch sử, văn hoá trên địa bàn tỉnh, kết hợp với kết cấu hạ tầng khá đã tạo cho Bà Rịa - Vũng Tàu có thế mạnh vượt trội về du lịch.
2. Những lĩnh vực kinh tế lợi thế: Trữ lượng, tài nguyên dầu khí đủ điều kiện cho tỉnh phát triển công nghiệp dầu khí thành công nghiệp mũi nhọn trong chiến lược phát triển công nghiệp cả nước và đưa Bà Rịa - Vũng Tàu trở thành một trung tâm khai thác và chế biến dầu khí lớn nhất Việt Nam.
    Bà Rịa - Vũng Tàu có nhiều tiềm năng để phát triển ngành du lịch với nhiều bãi tắm nổi tiếng, hệ thống hang động, các di tích lịch sử, đặc biệt là các di tích lịch sử Côn Đảo.

GIỚI THIỆU KHÁI QUÁT VỀ TỈNH BẠC LIÊU (5)
I. Điều kiện tự nhiên
1. Vị trí địa lý: Bạc Liêu là một tỉnh thuộc bán đảo Cà Mau, miền đất cực Nam của tổ quốc
Việt Nam. Tỉnh có chung địa giới nối thành phố Cần Thơ, Kiên Giang ở phía Tây Bắc,
Sóc Trăng ở phía Đông Bắc, Cà Mau ở phía Tây Nam, phía Đông Nam giáp biển Đông. Bạc Liêu có bờ biển dài 56 km nối với các biển quan trọng như Gành Hào, Nhà Mát, Cái Cùng.
    Diện tích tự nhiên 2.521 km2. Bạc Liêu có 5 huyện là: Vĩnh lợi, Hồng Dân, Giá Rai, Phước Long, Đông Hải và thị xã Bạc Liêu - trung tâm hành chính của tỉnh.
2. Đặc điểm địa hình: Bạc Liêu có địa hình tương đối bằng phẳng, chủ yếu nằm ở độ cao trên dưới 1,2 m so với mặt biển, còn lại là những giồng cát và một số khu vực trũng ngập nước quanh năm. Địa hình có xu hướng dốc từ bờ biển vào nội đồng, từ Đông Bắc xuống Tây Nam. Trên địa bàn tỉnh có nhiều kênh rạch lớn như kênh Quản Lộ - Phụng Hiệp, kênh Cạnh Đền, kênh Phó Sinh, kênh Giá Rai.
3. Khí hậu: Bạc Liêu nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, có 2 mùa rõ rệt: mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 11, mùa khô từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau. Lượng mưa trung bình hàng năm 2.000 - 2.300 mm. Nhiệt độ trung bình 260C, cao nhất 31,50C, thấp nhất 22,50C. Số giờ nắng trong năm 2.500 - 2.600 giờ. Độ ẩm trung bình mùa khô 80%, mùa mưa 85%. Vùng này ít chịu ảnh hưởng của bão và áp thấp nhiệt đới; không chịu ảnh hưởng trực tiếp của lũ lụt của hệ thống sông Cửu Long, nhưng lại chịu tác động mạnh của thuỷ triều biển Đông và một phần chế độ nhật triều biển Tây.
II. Tài nguyên thiên nhiên
1. Tài nguyên đất: Đất đai của tỉnh được chia thành nhiều nhóm: nhóm đất mặn chiếm 32,6% quỹ đất, nhóm đất phèn chiếm 59,9%, nhóm đất cát chiếm 0,18%, bãi bồi và đất khác chiếm 4,4%, sông rạch chiếm 2,9% quỹ đất. Tổng diện tích đất tự nhiên của huyện là 252,5 nghìn ha. Trong đó, đất nông nghiệp có 210,6 nghìn ha; đất lâm nghiệp có rừng 5,9 nghìn ha; đất chuyên dùng 13,3 nghìn ha; đất ở 3,5 nghìn ha, còn lại là đất chưa sử dụng.
    Đất có khả năng trồng lúa, cây hàng năm, cây lâu năm là 207.500 ha, chiếm 83,58% tổng diện tích đất; đất có khả năng trồng rừng, nuôi tôm, làm muối 33.505 ha, chiếm 13,49%. Phần lớn đất đai của Bạc Liêu là đất phù sa bồi đắp lâu năm và ổn định, thích hợp với việc phát triển nền nông nghiệp toàn diện.
2. Tài nguyên rừng: Diện tích rừng và đất rừng chiếm khoảng 2% diện tích đất tự nhiên, trong đó chủ yếu là rừng phòng hộ (5.070 ha). Rừng Bạc Liêu là rừng ngập mặn, úng phèn có năng suất sinh học cao, có giá trị lớn về phòng hộ và môi trường. Tập đoàn cây gồm chủ yếu là cây tràm, cây đước.
3. Tài nguyên biển: Bờ biển dài 56km, diện tích vùng biển 4 vạn km2. Động vật biển bao gồm 661 loài cá, 319 giống thuộc 138 họ, trong đó nhiều loại có trữ lượng và giá trị cao như tôm, cá hồng, cá gộc, cá sao, cá thu, cá chim, cá đường… Tôm biển có 33 loài khác nhau, có thể đánh bắt khoảng 10.000 tấn/năm. Trữ lượng cá đáy và cá nổi khoảng 800.000 tấn, có thể trở thành nơi xuất, nhập khẩu trực tiếp.
III. Tiềm năng kinh tế
1. Tiềm năng du lịch: Thế mạnh du lịch của Bạc Liêu là du lịch sinh thái, du lịch biển với những cảnh quan thiên nhiên độc đáo như vườn chim, vườn nhãn… đồng thời với những di tích lịch sử - văn hoá như: tháp cổ Vĩnh Hưng, Nọc Nạng, đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà lưu niệm cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu, hệ thống đình, chùa… Sự hấp dẫn của du lịch Bạc Liêu còn ở những nét độc đáo trong ẩm thực, trang phục, lễ hội, dân tộc Việt và một bộ phận dân cư người Khơ me, người Hoa.
2. Những lợi thế kinh tế: Với những lợi thế về thiên nhiên, Bạc Liêu có nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế biển, bao gồm: đánh bắt hải sản, nuôi trồng thuỷ sản, công nghiệp chế biến, dịch vụ tổng hợp, du lịch và giao thông, có ý nghĩa quan trọng tác động vào sự nghiệp phát triển kinh tế của tỉnh.
    Tỉnh Bạc Liêu đã có những chính sách đầu tư tín dụng ưu đãi góp phần nâng dần phương tiện khai thác biển với công suất lớn để thực hiện việc đánh bắt xa bờ, mở rộng diện tích nuôi tôm công nghiệp, bán công nghiệp, nâng cấp và xây dựng mới các nhà máy chế biến thuỷ sản với những thiết bị và công nghệ tiên tiến theo hướng xuất khẩu và có sức cạnh tranh trên thị trường thế giới. Bên cạnh đó, tăng cường đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng cho nghề biển mà trước mắt là hoàn chỉnh việc xây dựng cảng cá Gành Hào, một cảng cá có vị trí thuận lợi không chỉ đối với nghề biển Bạc Liêu mà còn đối với cả nước.

                              GIỚI THIỆU KHÁI QUÁT VỀ TỈNH BẮC GIANG (6)
I. Điều kiện địa lý tự nhiên
1. Vị trí địa lý: Bắc Giang nằm cách Thủ đô Hà Nội 50 km về phía Bắc, cách cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị 110 km về phía Nam, cách cảng Hải Phòng hơn 100 km về phía Đông. Phía Bắc và Đông Bắc giáp tỉnh Lạng Sơn, phía Tây và Tây Bắc giáp Hà Nội, Thái Nguyên, phía Nam và Đông Nam giáp tỉnh Bắc Ninh, Hải Dương và Quảng Ninh.
2. Đặc điểm địa hình: Tỉnh có đặc điểm địa hình của cả miền núi lẫn trung du. Đặc điểm chủ yếu của địa hình miền núi là chia cắt mạnh, phức tạp, chênh lệch về độ cao lớn. Nhiều vùng đất đai còn tốt, đặc biệt ở khu vực còn rừng tự nhiên. Vùng đồi núi thấp có thể trồng được nhiều cây ăn quả, cây công nghiệp như vải thiều, cam, chanh, na, hồng, đậu tương, chè…; chăn nuôi các loại gia súc, gia cầm, thuỷ sản. Đặc điểm này thể hiện chủ yếu ở các huyện Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam và Yên Thế, chiếm 72% diện tích toàn tỉnh.
    Đặc điểm chủ yếu của địa hình miền trung du là đất gò, đồi xen lẫn đồng bằng rộng, hẹp tuỳ theo từng khu vực. Vùng trung du có khả năng trồng nhiều loại cây lương thực, thực phẩm, cây ăn quả, cây công nghiệp, chăn nuôi các loại gia súc, gia cầm, cá và nhiều loại thuỷ sản khác. Vùng trung du thể hiện chủ yếu ở các huyện Tân Yên, Hiệp Hoà, Việt Yên, Yên Dũng, Lạng Giang và thị xã Bắc Giang, chiếm 28% diện tích toàn tỉnh.
3. Khí hậu:  Khí hậu được chia làm hai mùa rõ rệt, mùa hè từ tháng 4 đến tháng 10, thịnh hành gió đông nam, mùa đông từ tháng 10 đến tháng 4 năm sau, thịnh hành gió đông bắc. Nhiệt độ trung bình hàng năm khoảng 22 - 23°C, độ ẩm dao động từ 73 - 75% vào mùa đông và từ 85 - 87% vào mùa hè. Lượng mưa hàng năm đủ đáp ứng nhu cầu nước cho sản xuất và đời sống. Nắng trung bình hàng năm từ 1.500 – 1.700 giờ, thuận lợi cho phát triển cây trồng nhiệt đới, á nhiệt đới.
II. Tài nguyên thiên nhiên
1. Tài nguyên đất: Bắc Giang có 382.200 ha đất tự nhiên; gồm 123 nghìn ha đất nông nghiệp, 110 nghìn ha đất lâm nghiệp, 66,5 nghìn ha đất đô thị, đất chuyên dụng và đất ở, còn lại là các loại đất khác. Nhìn chung, tỉnh Bắc Giang có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển công nghiệp, nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản. Quốc lộ 1A mới hoàn thành tạo ra quỹ đất lớn có nhiều lợi thế cho phát triển công nghiệp - dịch vụ. Đất nông nghiệp của tỉnh ngoài thâm canh lúa còn thích hợp để phát triển rau, củ, quả cung cấp cho Thủ đô Hà Nội và các tỉnh lân cận. Tỉnh Bắc Giang đã có kế hoạch chuyển hàng chục nghìn ha trồng lúa sang phát triển cây ăn quả, cây công nghiệp và nuôi trồng thuỷ sản có giá trị kinh tế cao. Hơn 55 nghìn ha đất đồi núi chưa sử dụng là một tiềm năng lớn cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư liên doanh, liên kết  trồng rừng, chế biến lâm sản và nuôi trồng thuỷ sản.
2. Tài nguyên rừng: Bắc Giang có 110 nghìn ha rừng, trong đó có gần 64 nghìn ha rừng tự nhiên và hơn 46 nghìn ha rừng trồng. Trữ lượng gỗ có khoảng 3,5 triệu m³, tre nứa khoảng gần 500 triệu cây. Ngoài tác dụng tán che, cung cấp gỗ, củi, dược liệu, nguồn sinh thuỷ, rừng Bắc Giang còn có nhiều sông, suối, hồ đập, cây rừng nguyên sinh phong phú tạo cảnh quan môi sinh đẹp và hấp dẫn.
3. Tài nguyên khoáng sản: Trên địa bàn tỉnh tuy không có nhiều mỏ khoáng sản lớn nhưng lại có một số là nguồn nguyên liệu quan trọng để phát triển công nghiệp của tỉnh như: mỏ than đá ở Yên Thế, Lục Ngạn, Sơn Động, có trữ lượng hơn 10 triệu tấn; quặng sắt ước khoảng 0,5 triệu tấn ở Yên Thế, gần 100 nghìn tấn quặng đồng ở Lục Ngạn, Sơn Động; 3 triệu tấn cao lanh ở Yên Dũng; 100 m³ sét làm gạch chịu lửa ở Tân Yên, Việt Yên; sỏi, cuội kết ở Hiệp Hoà, Lục Nam.
III. Tiềm năng kinh tế
1. Những lĩnh vực kinh tế lợi thế: Bắc Giang là một tỉnh miền núi nhưng có cả vùng trung du, đồng bằng xen kẽ. Lợi thế kinh tế của tỉnh là nông, lâm nghiệp, thương mại, dịch vụ, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp. Nông, lâm nghiệp đang có sự chuyển dịch cơ cấu một cách tích cực. Tiến bộ khoa học kỹ thuật không ngừng được ứng dụng, nhất là việc đưa giống mới, phương pháp canh tác mới. Tốc độ tăng tỷ trọng nông sản hàng hoá mỗi năm đều tăng. Những cây trồng có giá trị kinh tế cao đã được phát triển, mở rộng ngày một nhanh hơn. Chăn nuôi theo phương pháp công nghiệp cùng với nuôi trồng thuỷ sản tiếp tục có những bước phát triển rất khả quan. Dịch vụ nông nghiệp không ngừng phát triển đến tận các thôn bản, xóm làng vùng cao, hẻo lánh. Thương mại dịch vụ phát triển nhanh trong nền kinh tế thị trường, nhiều chợ nông thôn đã được khôi phục, mở rộng hoặc nhanh chóng hình thành. Các thị trấn, thị tứ ngày càng sầm uất thêm.
    Công nghiệp là ngành kinh tế có nhiều tiềm năng của tỉnh. Khu công nghiệp Đình Trám rộng hơn 100 ha đã được các nhà đầu tư vào gần kín, ngoài ra còn gần 10 cụm công nghiệp tại các huyện, thị xã đã và đang đi vào hoạt động hoặc đang thiết kế quy hoạch hoàn chỉnh. Từ khi tỉnh có văn bản khuyến khích ưu đãi đầu tư trên địa bàn, sau một năm đã có 114 nhà đầu tư đăng ký với tổng số vốn hơn 1.187 tỷ đồng, trong đó 57 dự án đầu tư đã được chấp thuận. Các làng nghề truyền thống ngày càng được khôi phục và phát triển như: mây tre đan Tăng Tiến, tơ tằm Song Mai, bún Đa Mai, rượu làng Vân, mì Chũ, bánh đa Kế…
2. Tiềm năng du lịch: Bắc Giang là  tỉnh miền núi nhưng địa lý lãnh thổ không những có nhiều vùng núi cao, mà còn có nhiều vùng đất trung du trải rộng xen kẽ với các vùng đồng bằng phì nhiêu. Rừng nguyên sinh còn khá nhiều, đặc biệt là trên 7.000 ha rừng tại Khe Rỗ (xã An Lạc, huyện Sơn Động), cách thị trấn An Châu hơn 10 km, với hơn 200 loài thực vật, 250 loài dược liệu, 40 loài thú, 70 loài chim, 20 loài bò sát và đặc biệt là 7 loài quý hiếm. Ngoài ra, Bắc Giang còn có rừng nguyên sinh Tây Yên Tử đang được bảo tồn với diện tích tự nhiên gần 15.000 ha gồm nhiều chủng loại cây hỗn giao phong phú, động vật rừng quý hiếm.
    Cùng với rừng núi, tỉnh còn có hệ thống sông, suối xen kẽ nổi tiếng trong vùng như: hồ Cấm Sơn (Lục Ngạn) rộng gần 3.000 ha, các hồ Khuôn Thần, làng Thum, Lòng Thuyền (Lục Ngạn), suối Nứa (Lục Nam), sông Sỏi (Yên Thế)…, mỗi hồ rộng hàng trăm ha với dáng vẻ đặc trưng riêng về sinh thái của mình. Có hồ chứa hoặc đang triển khai xây dựng kết cấu hạ tầng dịch vụ nhưng vẫn thu hút hàng vạn du khách tới thăm. Suối Mỡ (Lục Nam) là một thắng cảnh có di tích văn hoá hấp dẫn, đang tiếp tục xây dựng thêm các cơ sở dịch vụ…
    Ở Bắc Giang còn có vùng trồng vải thiều rộng lớn không chỉ có giá trị kinh tế cao, mà còn hấp dẫn nhiều du khách. Các chủ trang trại đã kết hợp phát triển kinh tế vườn đồi với du lịch sinh thái. Rất nhiều trang trại có chủng loại cây ăn quả phong phú cùng các loại đặc sản hấp dẫn. Tiếng hát quan họ có từ lâu đời ở nhiều huyện vẫn duy trì và phát huy ở Bắc Giang, đặc biệt tiếng hát Soong Hao nổi tiếng của đồng bào các dân tộc thiểu số luôn giữ vai trò chính trong những ngày lễ hội. Hơn 100 di tích lịch sử văn hoá lớn đang được bảo tồn như chùa Vĩnh Nghiêm, đình cổ Lỗ Hạnh, đình Phù Lão và chùa Tiên Lục với cây dạ hương nghìn năm tuổi, thành cổ Xương Giang, thành đất nhà Mạc, đồn Phồn Xương của nghĩa quân Đề Thám, an toàn khu Hoàng Vân… Các lễ hội cổ truyền vẫn được gìn giữ và ngày càng phát huy, mở rộng thêm.

GIỚI THIỆU KHÁI QUÁT VỀ TỈNH BẮC KẠN (7)
I. Điều kiện địa lý tự nhiên
1. Vị trí địa lý: Bắc Kạn là một tỉnh miền núi nằm sâu trong nội địa vùng Đông Bắc, phía Nam giáp Thái Nguyên, phía Bắc giáp Cao Bằng, phía Đông giáp Lạng Sơn, phía Tây giáp Tuyên Quang. Ngày 28/5/2003, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 56/2003/NĐ - CP về việc thành lập huyện Pác Nặm thuộc tỉnh Bắc Kạn trên cơ sở điều chỉnh địa giới hành chính huyện Ba Bể. Diện tích tự nhiên toàn tỉnh là 485.721 ha, gồm 7 huyện, 1 thị xã với 122 xã, phường, thị trấn, ước tính dân số năm 2005 là 300.000 người, mật độ dân số trung bình 59,54 người/km². Là tỉnh nằm tên quốc lộ 3 đi từ Hà Nội lên Cao Bằng - trục quốc lộ quan trọng của vùng Đông Bắc, đồng thời nằm giữa các tỉnh có tiềm năng phát triển kinh tế lớn.
2. Đặc điểm địa hình: Bắc Kạn có địa hình phân dị lớn do điều kiện tự nhiên tạo bởi cánh cung Ngân Sơn – Yên Lạc ở phía Đông Bắc và cánh cung sông Gâm ở phía Tây Nam nên hình thành các vùng khác biệt về khí hậu. Toàn tỉnh có độ cao giảm dần từ Tây Bắc xuống Đông Nam, cao nhất có đỉnh 1.640 m thuộc dãy Nam Khiếu Thượng. Độ cao bình quân toàn tỉnh từ 500 - 600 m, nơi thấp nhất 40 m thuộc khu vực xã Quảng Chu (Chợ Mới). Vùng núi đá vôi lớn của tỉnh ở huyện Ba Bể và huyện Na Rì còn tiềm ẩn nhiều nguồn gen động vật quý hiếm và nhiều hang động để phát triển du lịch. Hệ thống núi phía Đông là phần cuối của cánh cung Ngân Sơn – Yên Lạc, địa hình hiểm trở, dân cư thưa thớt, không có những thung lũng phù sa rộng, phát triển nông nghiệp khó khăn.
3. Khí hậu: Với chế độ nhiệt đới gió mùa, một năm ở Bắc Kạn có hai mùa rõ rệt: mùa mưa nóng ẩm từ tháng 5 đến tháng 10, chiếm 70 - 80% lượng mưa cả năm; mùa khô từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau, lượng mưa chỉ chiếm khoảng 20 – 25% tổng lượng mưa trong năm, tháng mưa ít nhất là tháng 12.
    Do ảnh hưởng của vị trí địa lý, địa hình, địa mạo nên khí hậu Bắc Kạn có những nét đặc trưng như: nhiệt độ trung bình hàng năm từ 20 - 220C, nhiệt độ thấp tuyệt đối -0,10C ở thị xã Bắc Kạn và -0,60C ở Ba Bể, -20C ở Ngân Sơn, gây băng giá ảnh hưởng lớn đến cây trồng, vật nuôi.
    Độ ẩm trung bình trên toàn tỉnh là 84%. Bắc Kạn có lượng mưa thấp so với các tỉnh Đông Bắc do bị che chắn bởi cánh cung Ngân Sơn ở phía Đông Bắc và cánh cung Sông Gâm ở phía Tây Nam.
II. Tài nguyên thiên nhiên
1. Tài nguyên đất: Kết quả điều tra cho thấy Bắc Kạn có những loại đất chính sau: đất feralit màu vàng nhạt trên núi trung bình (FH) chiếm 13,38% diện tích, phân bố trên tất cả các đỉnh núi cao trên 700 m, trên nền đá mắcma axit kết tinh chua, đá trầm tích và biến chất. Tầng đất mỏng, đá nổi nhiều, đất ẩm và có tầng thảm mục khá dày. Đất feralit điển hình vùng đồi núi và núi thấp (Ff – Fk): chiếm 71,62% diện tích, phân bố tập trung ở Ba Bể, bắc Chợ Đồn và Na Rì (Khu vực Kim Hỷ)… Khu vực núi đá vôi thường rất ít đất trong các hang hốc, tầng đất mỏng màu đen, đất rất tốt.
    Nói chung, cùng với khí hậu thích hợp cho nhiều loại cây trồng, vật nuôi, đất đai trong tỉnh còn khá tốt và là cơ sở quan trọng để phát triển nông – lâm nghiệp. Đất nông nghiệp có 30.509 ha, chiếm 6,28% diện tích tự nhiên, đất lâm nghiệp có rừng 301.722 ha, chiếm 62,1% diện tích tự nhiên, nhiều nơi tầng đất dầy, đất đồi núi có lượng mùn cao thuận tiện cho sản xuất lương thực, trồng cây công nghiệp, cây ăn quả và phục hồi rừng.
2. Tài nguyên rừng: Diện tích rừng tự nhiên của Bắc Kạn vào loại lớn nhất trong các tỉnh vùng Đông Bắc (95,3% diện tích). Tài nguyên rừng của tỉnh khá đa dạng, phong phú. Ngoài khả năng cung cấp gỗ, tre, nứa còn nhiều loại động vật, thực vật quý hiếm, có giá trị và được coi là một trung tâm bảo tồn
nguồn gen thực vật của vùng Đông Bắc.
    Về động vật, hiện nay tập trung ở khu vực đá Kim Hỷ thuộc huyện Na Rì, Cao Sơn thuộc huyện Bạch Thông, Bản Thi thuộc huyện Chợ Đồn và hồ Ba Bể. Hệ động vật của tỉnh Bắc Kạn có giá trị tự bảo tồn nguồn gen cao với nhiều loại đặc hữu và quý hiếm.
    Về thực vật, qua điều tra cho thấy tỉnh Bắc Kạn có 280 loài thực vật, trong đó có 300 loài gỗ, 300 loài cây thuốc, 52 loài đã đưa vào sách đỏ Việt Nam.
    Là một tỉnh miền núi, có địa hình chia cắt phức tạp, đất có độ dốc lớn, lại là vùng đầu nguồn của nhiều hệ sông, suối… nên Bắc Kạn có một vị trí đặc biệt quan trọng đối với các tỉnh trong khu vực. Với sự hình thành nhiều tiểu vùng khí hậu, Bắc Kạn có thế mạnh về chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi để sớm hình thành nên các vùng nguyên liệu hàng hoá. Bắc Kạn có lợi thế về phát triển thuỷ lợi và thuỷ điện nhỏ, nhưng có trở ngại lớn là nguồn nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt còn rất hạn chế… Cần có kế hoạch cụ thể về xây dựng và bảo vệ rừng đầu nguồn để giảm bớt trở ngại trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh…
3. Tài nguyên khoáng sản: Lãnh thổ Bắc Kạn nằm trong hai kiểu kiến trúc địa chất có chế độ địa động khác nhau và do đó tạo nên bức tranh khoáng sản rất đặc trưng. Ở phía Tây sông Cầu là các thành trầm tích cổ hơn tạo nên một kiến trúc dương rõ nét được gọi là phức nếp lồi Lô Gâm, ở đó tập trung hầu hết các mỏ chì, kẽm. Ở phía Đông sông Cầu là các thành trầm tích trẻ hơn tạo nên kiến trúc âm được gọi là võng nguồn Rift nội lục sông Hiến, ở đó tập trung hầu hết các mỏ vàng. Chì, kẽm và vàng là những loại khoáng sản có tiềm năng nhất của Bắc Kạn.
    Vàng là khoáng sản có giá trị kinh tế của tỉnh với hai mỏ vàng gốc Pác Lạng ở Ngân Sơn và
Khau Âu ở Chợ Mới. Tuy nhiên mức độ điều tra khảo sát địa chất còn rất thấp. Muốn đưa các mỏ này vào khai thác công nghiệp thì nhất thiết phải có đầu tư thăm dò xác định trữ lượng tin cậy để tổ chức khai thác. Tỉnh Bắc Kạn cần thiết phải tổ chức liên doanh với các nhà đầu tư trong và ngoài nước nhằm khai thác nguồn tài nguyên có giá trị này.
    Tỉnh cũng có các khoáng sản khác như sắt, mănggan, ăngtimon, vật liệu xây dựng và đá quý. Tuỳ theo nhu cầu thực tế của thị trường mà tỉnh sẽ có những công tác thăm dò và khai thác phù hợp.
    Theo kết quả nghiên cứu của Tổng Cục Địa chất, Bắc Kạn có cấu tạo địa chất khá phức tạp. Trên địa bàn tỉnh có bao nhiêu kiểu kiến trúc địa chất. Hệ thống núi thấp và trung bình thuộc cánh cung sông Gâm có các loại đá xâm nhập granít, rhyonít, granít haimica và các loại phiến biến chất, thạch anh quắczít, đá sừng… Cánh cung Ngân Sơn có các loại granít, rhyonít, phiến sét, thạch anh, đá vôi… Khối núi đá vôi Kim Hỷ có tuổi cácbon – pecmi màu xám trắng có cấu tạo kiểu khối, hiểm trở và những biến chất khu vực. Vùng núi thấp phía nam tỉnh là nơi quy tụ nhiều dãy núi cánh cung, nên có nhiều loại đá trầm tích có kết cấu hạt mịn, hạt thô và đá mắcma.
III. Tiềm năng kinh tế
1. Những lĩnh vực kinh tế lợi thế: Với vị trí thuận lợi trên trục đường quốc lộ 3, nối Hà Nội với Cao Bằng và các tỉnh biên giới vùng Đông Bắc, Bắc Kạn nằm trong vùng có tốc độ đô thị hoá nhanh và có nhiều điều kiện mở cửa ra bên ngoài.
    Bên cạnh đó Bắc Kạn có khí hậu thuận lợi để phát triển một tập đoàn cây trồng, vật nuôi đa dạng, đặc biệt là cây công nghiệp, cây ăn quả, chăn nuôi đại gia súc. Đây là lợi thế để phát triển một nền nông nghiệp sinh thái, tạo ra các sản phẩm tập trung phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu.
    Quỹ đất của tỉnh có thể sử dụng vào mục đích nông – lâm nghiệp tương đối nhiều, với quỹ đất lớn so với dân số của tỉnh là điều kiện tốt để chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng sản xuất hàng hoá. Bắc Kạn còn có nguồn tài nguyên rừng và khoáng sản phong phú để phát triển các ngành công nghiệp, đặc biệt là ngành công nghiệp chế biến nông - lâm sản, công nghiệp giấy, công nghiệp khai khoáng, công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng, có nguồn tài nguyên du lịch đa dạng và phong phú, thuận lợi có thể hoà vào mạng lưới du lịch vùng Đông Bắc và Bắc Bộ. Đặc biệt là hồ Ba Bể - thắng cảnh được xếp hạng và có di tích lịch sử cách mạng.
2. Tiềm năng du lịch: Do điều kiện lịch sử để lại, Bắc Kạn có nguồn di tích khá phong phú với 160 di tích, trong đó có 8 di tích đã được xếp hạng cấp quốc gia. Đặc biệt Bắc Kạn có danh thắng hồ Ba Bể - một cảnh đẹp nổi tiếng được Nhà nước và Bộ Văn hoá – Thông tin cho phép xây dựng hồ sơ để trình UNESCO công nhận là danh thắng thế giới.

GIỚI THIỆU KHÁI QUÁT VỀ TỈNH BẮC NINH (8)
I. Điều kiện địa lý tự nhiên
1. Vị trí địa lý: Bắc Ninh là tỉnh thuộc đồng bằng Bắc Bộ, phía Bắc giáp Bắc Giang, phía Đông và Đông Nam giáp Hải Dương, Tây và Tây Nam giáp Hà Nội và Hưng Yên. Bắc Ninh có trục tuyến giao thông lớn, quan trọng chạy qua, nối liền tỉnh với các trung tâm kinh tế, văn hoá và thương mại của phía Bắc: quốc lộ 1A nối Hà Nội - Bắc Ninh - Bắc Giang - Lạng Sơn; quốc lộ 18 từ Nội Bài - Bắc Ninh - Hạ Long – Móng Cái; quốc lộ 38 nối Bắc Ninh với quốc lộ 5 đi Hải Dương - Hải Phòng, đi Hưng Yên, Thái Bình…
    Trong tỉnh có nhiều sông lớn như sông Cầu, sông Đuống, sông Thái Bình nối liền với Hải Phòng, Quảng Ninh và các tỉnh lân cận tạo ra nhiều cơ hội lớn cho việc phát triển kinh tế xã hội và khai thác tiềm năng hiện có của tỉnh.
2. Đặc điểm địa hình: Địa hình Bắc Ninh tương đối bằng phẳng. Tuy dốc từ Bắc xuống Nam và từ Tây sang Đông nhưng độ dốc không lớn. Vùng đồng bằng chiếm gần hết diện tích tự nhiên toàn tỉnh, có độ cao phổ biến 3 – 7 m so với mặt biển. Do được bồi đắp bởi các sông lớn như sông Đuống, sông Cầu, sông Thái Bình nên vùng đồng bằng chủ yếu là đất phù sa màu mỡ. Vùng gò đồi trung du chỉ chiếm 0,5% diện tích tự nhiên và phần lớn đồi núi thấp, cao nhất là núi Hàm Long 171m.
3. Khí hậu: Khí hậu đặc trưng của tỉnh là nhiệt đới gió mùa, mùa hè nắng nóng nhiệt độ trung bình 30 - 36°C, mùa đông lạnh, từ 15 - 20°C. Lượng mưa trung bình trong năm 1.800 mm, số giờ nắng khoảng 1.700 giờ/năm, thích hợp cho trồng lúa và các cây công nghiệp, cây thực phẩm khác.
II. Tài nguyên thiên nhiên
1. Tài nguyên đất: Tổng diện tích đất tự nhiên của tỉnh là 803,87 km², trong đó đất nông nghiệp chiếm 64,7%, đất lâm nghiệp 0,7%, đất chuyên dùng và đất ở chiếm 23,5%, đất chưa sử dụng còn 11,1%. Cả tỉnh còn 12.750 ha đất trũng ngập ở các huyện: Gia Bình, Quế Võ, Lương Tài, Yên Phong, đất mặt nước chưa sử dụng là 3.114,5 ha, diện tích một vụ còn 7.462,5 ha. Tiềm năng đất đai của tỉnh còn lớn, có thể khai thác sử dụng hợp lý để nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế.
2. Tài nguyên rừng: Bắc Ninh không có rừng tự nhiên, chủ yếu là rừng trồng với 607 ha phân bổ tập trung ở hai huyện Quế Võ và Tiên Du, có thể phát triển thành rừng cảnh quan sinh thái.
3. Tài nguyên khoáng sản: Bắc Ninh là một tỉnh nghèo về tài nguyên khoáng sản, chủ yếu là nguồn nguyên liệu phục vụ trong ngành sản xuất vật liệu xây dựng như: đất sét làm gạch ngói, trữ lượng 4 triệu tấn ở hai huyện Quế Võ, Từ Sơn và thị xã Bắc Ninh, đất cát kết khoảng 1 triệu tấn ở Thị Cầu, đá sa thạch ở Vũ Ninh với trữ lượng 3 triệu m³, than bùn ở Yên Phong khoảng 6 – 20 vạn tấn.
III. Tiềm năng kinh tế
1. Những lĩnh vực kinh tế lợi thế: Với địa hình tương đối bằng phẳng, thì tiết khí hậu ôn hoà nguồn nước phong phú, đất đai màu mỡ do được bồi đắp phù sa của hệ thống sông Hồng và sông Thái Bình, rất phù hợp cho sự sinh trưởng phát triển của nhiều loại cây trồng. Đây là tiền đề quan trọng, tạo thuận lợi để ngành nông nghiệp Bắc Ninh phát triển toàn diện.
    Dựa vào lợi thế về địa lý, kinh tế, gần thủ đô Hà Nội, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, có hệ thống giao thông phát triển, kết cấu hạ tầng đang được hoàn chỉnh, dựa vào nguồn tài nguyên sẵn có và các ngành nghề truyền thống của tỉnh, công nghiệp, nông nghiệp Bắc Ninh đang có lợi thế phát triển mạnh, gồm: cơ khí, kỹ thuật điện, vật liệu xây dựng, chế biến lâm sản đặc biệt đồ gỗ cao cấp, chế biến lương thực thực phẩm, dệt may.
    Về nông nghiệp, phát triển nông nghiệp phục vụ công nghiệp và đô thị; cung cấp lương thực, thực phẩm rau sạch, chất lượng cao cho các thị trường lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, nhất là rau xanh, hoa tươi, cây cảnh, thuỷ sản, thịt lợn nạc, bò sữa…
2. Tiềm năng du lịch: Bắc Ninh có tiềm năng du lịch rất lớn. Là một tỉnh có bề dày lịch sử, có một nền văn hoá nhân văn đặc sắc với 204 di tích lịch sử - văn hoá đã được Nhà nước công nhận như: Văn Miếu, Đền Đô…, một vùng quê văn hiến Bắc Ninh – Kinh Bắc có nhiều di tích lịch sử văn hoá, lễ hội dân gian, làng nghề truyền thống…là những điểm hấp dẫn thu hút khách, tạo cho du lịch Bắc Ninh những tiềm năng hết sức phong phú.

GIỚI THIỆU KHÁI QUÁT VỀ TỈNH BẾN TRE (9)
I. Điều kiện tự nhiên
1. Vị trí địa lý: Bến Tre là tỉnh đồng bằng nằm cuối nguồn sông Cửu Long, tiếp giáp biển Đông và các tỉnh Tiền Giang, Trà Vinh, Vĩnh Long. Trung tâm của tỉnh cách Thành phố Hồ Chí Minh 87 km về phía Tây (qua Tiền Giang và Long An). Các sông lớn như sông Tiền, Ba Lai, Hàm Luông và Cổ Chiên mang phù sa bồi tụ qua nhiều thế kỷ và đã chia địa hình Bến Tre thành ba dải cù lao lớn là cù lao An Hoá, cù lao Bảo và cù lao Minh.   Nhìn trên bản đồ, tỉnh Bến Tre có hình rẻ quạt mà đầu nhọn nằm ở thượng nguồn, các nhánh sông lớn giống như nan quạt xoè rộng ra ở phía Đông. Diện tích tự nhiên của tỉnh là 2.315 km2, khí hậu nhiệt đới, dân số khoảng 1,4 triệu người. Địa hình bằng phẳng, rải rác có những cồn cát xen kẽ với ruộng vườn, không có rừng cây lớn, bốn bề sông nước bao quanh.
II. Tiềm năng kinh tế
1. Tiềm năng du lịch: Người Bến Tre giàu lòng nhân ái, mến khách, coi trọng tài năng; biết
trân trọng, kế thừa và phát huy truyền thống tinh hoa của dân tộc. Bến Tre có 12 khu di tích
lịch sử - văn hoá được xếp hạng của tỉnh. Qua các giai đoạn lịch sử, vùng "địa linh nhân kiệt" này đã sinh ra nhiều danh nhân như nhà giáo Võ Trường Toản với những học trò nổi tiếng như Ngô Nhân Tịnh, Trịnh Hoài Đức, Lê Quang Định, Phan Thanh Giản - tiến sĩ đầu tiên của Nam Kỳ; Trương Vĩnh Ký - người thông thạo 27 thứ tiếng nước ngoài và là một trong 18 học giả lừng danh của thế giới đương thời... Bến Tre còn là quê hương của những người con ưu tú, tài ba như nhà giáo Ca Văn Thỉnh, nhà thơ liệt sĩ Lê Anh Xuân, hoạ sĩ Lê Văn Đệ, nghệ sĩ Ba Vân, kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát, nhà điêu khắc Diệp Minh Châu, liệt sĩ Trần Văn Ơn và nhiều chiến sĩ anh hùng khác... Đặc biệt, Bến Tre đi vào lịch sử bằng cao trào Đồng Khởi với sự ra đời của đội quân tóc dài, với tên tuổi của nữ tướng Nguyễn Thị Định.
2. Những lĩnh vực kinh tế lợi thế: Bến Tre là một trong những tỉnh có tiềm năng kinh tế phong phú, đa dạng, có lực lượng lao động trẻ, cần cù, sáng tạo. Với hệ thống sông rạch khoảng 500 km, Bến Tre giàu thuỷ sản với các loại cá thiểu, cá mối, cá cơm... Là vùng đất phù sa trù phú, Bến Tre trở thành vựa lúa lớn của đồng bằng sông Cửu Long và là nơi có nguồn sản vật phong phú. Những vườn hoa kiểng, cây trái nổi tiếng ở vùng Cái Mơn - Chợ Lách, Bình Đại - Giồng Trôm... hàng năm đã cung ứng cho thị trường hàng triệu giống cây ăn quả và cây cảnh nổi tiếng khắp nơi.
    Đặc biệt Bến Tre là xứ sở của dừa (gần 40.000 ha trồng dừa). Dừa Bến Tre chiếm diện tích nhiều nhất trong cả nước, có nhiều loại dừa: dừa ta, dừa dâu, dừa lửa, dừa xiêm, dừa cỏ, dừa sáp, dừa bị. Bến Tre còn nổi tiếng với đặc sản kẹo dừa, bánh tráng Mỹ Lồng, bánh phồng Sơn Đố. Qua bàn tay khéo của người thợ thủ công, hàng trăm sản phẩm độc đáo làm từ những sọ dừa, cọng lá và bông dừa đã bước ra thế giới đem về nguồn ngoại tệ lớn cho quê hương.
    Cùng với công cuộc đổi mới đất nước và các chính sách đầu tư phát triển, Bến Tre đã cụ thể hoá và ban hành một số chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư cùng với chủ trương huy động mọi nguồn lực để tăng tốc đầu tư phát triển giai đoạn 2002 - 2004 trên địa bàn tỉnh. Tháng 7 - 2000, cống đập Ba Lai được khởi công xây dựng để ngăn mặn, giữ ngọt, rửa phèn và tưới tiêu cho gần 20.000 ha đất. Cầu Rạch Miễu dài hơn 3 km vượt sông Tiền được khởi công ngày 30 - 4 - 2002, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, mở ra tương lai phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội của vùng đất này, đưa Bến Tre thoát khỏi thế “ốc đảo”, nhanh chóng hoà nhập với các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, tạo đà phát triển các mặt kinh tế - xã hội và bảo đảm an ninh quốc phòng cho toàn vùng.

GIỚI THIỆU KHÁI QUÁT VỀ TỈNH BÌNH DƯƠNG (10)
I. Điều kiện tự nhiên
1. Vị trí địa lý: Bình Dương là tỉnh thuộc miền Đông Nam Bộ, phía Bắc giáp tỉnh Bình Phước, phía Đông giáp tỉnh Đồng Nai, phía Tây giáp tỉnh Tây Ninh, phía Nam giáp thành phố Hồ Chí Minh. Tỉnh nằm trên các trục đường giao thông quan trọng của quốc gia như quốc lộ 13, 14, tuyến đường sắt Bắc - Nam, đường xuyên Á và là đầu mối giao lưu của các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên theo quốc lộ 13, 14 về thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương có 1 thị xã và 6 huyện với 89 đơn vị hành chính cấp xã, phường và thị trấn.
2. Đặc điểm địa hình: Bình Dương nằm ở vị trí tiếp giáp giữa đồng bằng và cao nguyên. Địa hình chủ yếu là đồi trung bình và thấp, nhìn chung tương đối bằng phẳng, nền đất cao 2 - 25cm so với mực nước biển. Đây là thế đất thuận lợi cho việc xây dựng các khu công nghiệp và kết cấu hạ tầng kỹ thuật.
3. Khí hậu: Mang tính chất nhiệt đới gió mùa, chia làm hai mùa rõ rệt là mùa mưa và mùa khô. Mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 11, mưa nhiều, độ ẩm cao, mùa khô từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau, thời tiết khô nóng. Nhiệt độ trung bình năm 26 -270C. Số giờ nắng trong năm
2.500 -2.800 giờ, lượng mưa hàng năm 1.600 -1.700 mm, độ ẩm trung bình 79 - 80%.
II.Tài nguyên thiên nhiên
1. Tài nguyên đất: Diện tích đất tự nhiên toàn tỉnh là 269.600 ha. Có 7 nhóm đất chính, trong đó đất xám chiếm 52,45% diện tích tự nhiên, đất đỏ vàng 24%, đất dốc tụ 12,09%, đất phù sa 5,79%, các loại đất khác chiếm tỷ lệ không đáng kể. Đất đai Bình Dương thích hợp với cây công nghiệp dài ngày, cây ăn quả, phát triển công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng và
phát triển giao thông đô thị.
2. Tài nguyên rừng: Bình Dương có 13 nghìn ha rừng, trong đó có gần 10 nghìn ha rừng tự nhiên, 3.430 ha rừng trồng. Rừng Bình Dương có vai trò quan trọng về phòng hộ và ổn định về môi trường sinh thái. Đây là vành đai xanh của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
3. Tài nguyên khoáng sản: Khoáng sản của tỉnh không phong phú, chủ yếu là khoáng sản phi kim loại. Tập trung ở phía nam tỉnh là cao lanh, trữ lượng 256 triệu tấn, được khai thác làm gốm sứ và chất phụ gia công nghiệp. Ở Bến Cát, Tân Uyên có sét gạch ngói, trữ lượng khoảng 629 triệu m3. Đá xây dựng tập trung ở Tân Uyên, Thuận An, trữ lượng khoảng 220 triệu m3, cát xây dựng tập trung ở sông Sài Gòn, cù lao Bình Chánh, cù lao Rùa và sông Thị Tính, trữ lượng khoảng 25 triệu m3.
III. Tiềm năng kinh tế
1. Tiềm năng du lịch: Bình Dương vốn là vùng đất thuộc Gia Định xưa, có nền văn hoá lâu đời với di sản âm nhạc dân gian quý giá là nhạc lễ, ca nhạc tài tử, lễ hội dân gian chùa Bà Thiên Hậu. Nơi đây còn có nhiều chùa cổ như chùa Bà Hội Khánh, chùa Núi Châu Thới, chùa Long Hưng cùng nhiều làng nghề nổi tiếng như làng sơn mài Tương Bình Hiệp và rất nhiều làng gốm sứ. Bên cạnh đó, những vườn cây trái và nhiều cảnh quan đẹp là tiền đề để hình thành các tuyến du lịch dọc sông Đồng Nai, đặc biệt là tuyến dọc sông Sài Gòn bắt đầu từ vườn trái cây nổi tiếng Lái Thiêu kéo dài lên thị xã Thủ Dầu Một đến vùng cận lòng hồ Dầu Tiếng. Ngoài ra còn có các tuyến thăm lại chiến trường xưa với những địa danh chiến khu D mà trung tâm là huyện Tân Uyên với địa đạo “tam giác sắt” ở Ba Làng An, các địa danh Phú Lợi, Bàu Bàng, Bến xúc, Lai Khê, Nhà Đỏ.
2. Những lĩnh vực kinh tế lợi thế: Công nghiệp là khu vực kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh và chiếm tỷ lệ cao của tỉnh Bình Dương. Cơ cấu công nghiệp có sự chuyển biến tích cực, ngoài các ngành truyền thống có lợi thế như công nghiệp chế biến nông - lâm sản, vật liệu xây dựng, gốm sứ, mỹ nghệ…, một số ngành công nghiệp mới du nhập vào Bình Dương có kỹ thuật hiện đại, giá trị lớn đang có xu thế tăng nhanh như hoá chất, cơ khí, thực phẩm, hàng tiêu dùng cao cấp. Địa bàn phân bố công nghiệp chủ yếu tập trung ở phía Nam tỉnh. Trong thời gian qua, công nghiệp khu vực phía nam của tỉnh thật sự trở thành động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, khu vực phía bắc tỉnh cũng đang từng bước được chú trọng đầu tư sơ sở hạ tầng để thu hút vốn đầu tư. Trình độ công nghệ của ngành công nghiệp từng bước được nâng cao. Nhìn chung, công nghiệp là ngành kinh tế trọng yếu, động lực của tỉnh.
    Và nền văn hoá lâu đời, nhiều chùa cổ, nhiều làng nghề truyền thống nổi tiếng, cảnh quan đẹp và nhiều di tích lịch sử, du lịch Bình Dương có nhiều điều kiện phát triển. Ngành du lịch trong những năm qua tuy chưa có bước đột phá nhưng doanh thu du lịch cũng tăng bình quân hàng năm 11,7%.

GIỚI THIỆU KHÁI QUÁT VỀ TỈNH BÌNH ĐỊNH (11)
I. Điều kiện tự nhiên
1.Vị trí địa lý: Bình Định là tỉnh thuộc vùng duyên hải Nam Trung Bộ, phía Bắc giáp tỉnh Quảng Ngãi, phía Nam giáp tỉnh Phú Yên, phía Tây giáp tỉnh Gia Lai, phía Đông giáp biển Đông. Bình Định được coi như cửa ngõ của các tỉnh Tây Nguyên. Tỉnh có 11 đơn vị hành chính gồm 10 huyện và 1 thành phố. Quy Nhơn là thành phố loại II, trung tâm kinh tế - chính trị - văn hoá của tỉnh.
2. Đặc điểm địa hình: Địa hình của tỉnh tương đối phức tạp, thấp dần từ Tây sang Đông của dãy Trường Sơn, độ cao trung bình 500 – 700 m, kế tiếp là vùng trung du. Địa hình phổ biến là đồi thấp xen kẽ thung lũng hẹp có độ cao dưới 100 mét, hướng vuông góc với dãy Trường Sơn. Vùng thấp là vùng đồng  bằng rải rác có đồi thấp xen kẽ. Địa hình đồng bằng nghiêng nên rất dễ bị  rửa trôi, dẫn đến đất bị bạc màu và mặn hoá. Ngoài vùng là cồn cát ven biển. Các địa hình chủ yếu của tỉnh là: vùng núi trung bình phía Tây (chiếm 70% diện tích tự nhiên của tỉnh, cao từ 500 - 700 mét, độ dốc trên  250 kéo dài theo chiều Bắc - Nam qua các huyện Hoài Ân, An Lão, Vĩnh Thạnh, Vân Canh, bị chia cắt mạnh; vùng này có dãy núi cao trên 1.000 mét); vùng đồi, tiếp giáp giữa vùng núi phía Tây và đồng bằng phía Đông (chiếm khoảng 10% diện tích, độ cao dưới 100 mét, độ dốc 10 – 150); vùng đồng bằng ven biển (chiếm 20% diện tích, đồng bằng nhỏ hẹp theo hạ lưu các sông và bị chia cắt thành nhiều mảnh nhỏ. Ven biển có nhiều đầm, vịnh, cửa biển).
3. Khí hậu: Bình Định thuộc vùng nhiệt đới ẩm gió mùa. Nhiệt độ trung bình 270C. Lượng mưa trung bình hàng năm trong 5 năm gần đây là 2.185 mm. Mùa mưa (từ tháng 8 đến tháng 12) tập trung 70 - 80% lượng mưa cả năm. Mùa mưa trùng với mùa bão nên thường gây ra lũ lụt. Ngược lại, mùa nắng kéo dài nên gây hạn hán ở nhiều nơi. Độ ẩm trung bình là 80%.
II. Tài nguyên thiên nhiên
1. Tài nguyên đất: Diện tích đất tự nhiên của tỉnh là 6.025,6 km2, có thể chia thành 11 nhóm đất với 30 loại đất khác nhau, trong đó quan trọng nhất là nhóm đất phù sa có khoảng trên 70 nghìn ha, phân bố dọc theo lưu vực các sông. Đây là nhóm đất canh tác nông nghiệp tốt nhất, thích hợp với trồng cây lương thực và cây công nghiệp ngắn ngày. Diện tích đất chưa sử dụng còn rất lớn, chiếm tới 34% tổng diện tích tự nhiên của tỉnh. Đây là một tiềm năng lớn cần được đầu tư khai thác.
2. Tài nguyên rừng: Bình Định hiện có khoảng 196.000 ha đất lâm nghiệp, trong đó trên 151.500 ha rừng tự nhiên và hơn 44.300 ha rừng trồng. Rừng hiện nay còn tập trung chủ yếu ở những vùng xa đường giao thông nên chỉ có ý nghĩa lớn về phòng hộ và bảo vệ môi trường. Xét theo mục đích kinh tế thì rừng sản xuất có 65,5 nghìn ha, rừng phòng hộ có gần 128 nghìn ha. Rừng Bình Định có hơn 40 loài cây có giá trị dược liệu, phân bố hầu khắp ở các huyện như: ngũ gia bì, sa nhân, thiên niên kiện, bách bộ, thổ phục linh, hoàng đằng, thiên môn, phong kỷ, kim ngân. Vùng trung du, ven biển có cây dừa, trám, đặc biệt cây mai gừng có giá trị dược liệu cao, nhưng chủ yếu phân bố ở vài vùng đất hẹp tại huyện Vĩnh Thạnh. Cây sa nhân cũng có giá trị xuất khẩu cao.
3.Tài nguyên khoáng sản: Tài nguyên khoáng sản ở Bình Định khá đa dạng, đáng chú ý nhất là đá granít có trữ lượng khoảng 500 triệu m3, với nhiều màu sắc đỏ, đen, vàng… là vật liệu xây dựng cao cấp được thị trường trong và ngoài nước ưa chuộng; sa khoáng titan tập trung ở mỏ Đề Gi (Phù Cát) trữ lượng khoảng 1,5 triệu m3; cát trắng ở Hoài Nhơn, trữ lượng khoảng 90.000 m3. Nhiều nguồn nước khoáng được đánh giá có chất lượng cao đã và đang được đưa vào khai thác sản xuất nước giải khát, chữa bệnh. Toàn tỉnh có 4 nguồn nước khoáng là Hội Vân, Chánh Thắng (Phù Cát), Bình Quang (Vĩnh Thạnh), Long Mỹ (Tuy Phước), riêng nguồn nước khoáng nóng Hội Vân đảm bảo các tiêu chuẩn chữa bệnh và có thể xây dựng nhà máy điện địa nhiệt. Ngoài ra, còn có các khoáng sản khác như cao lanh, đất sét và đặc biệt là các quặng vàng ở Hoài Ân, Vĩnh Thạnh, Tây Sơn.
III. Tiềm năng kinh tế
1. Tiềm năng du lịch: Bình Định có nhiều vùng vịnh với những bãi tắm đẹp và danh lam thắng cảnh biển hài hoà, hấp dẫn như bán đảo Phương Mai, bãi tắm Hoàng Hậu, Đảo Yến, Quy Hoà, Bãi Dài, Vĩnh Hội, Tân Thanh,..là nguồn tài nguyên thiên nhiên rất phong phú để phát triển du lịch. Bình Định có một quần thể di tích với những tên gọi đã trở nên quen thuộc như tháp Dương Long, Cánh Tiên, Bánh Ít, Bình Tiên, Tháp Đôi,.
    Về vị trí địa lý, có thể hình dung Bình Định như một tâm điểm nối với các vùng du lịch của cả miền như Nha Trang, Plâyku, Hội An, Đà Nẵng, Huế,..đồng thời cũng là điểm nút giao thông nối với quốc lộ 19 – ngã ba Đông Dương , đường Hồ Chí Minh, tạo điều kiện cho tỉnh phát triển du lịch biển gắn với du lịch núi và cao nguyên, phát triển du lịch nội địa và du lịch quốc tế. Chính vì vậy, trong quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2010, Bình Định được xác định là có một vị trí quan trọng của vùng du lịch Nam Trung Bộ, là một mắt xích quan trọng hệ thống các tuyến điểm du lịch quốc gia.  
2. Những lĩnh vực kinh tế có lợi thế so sánh: Để phát triển mạnh dịch vụ, tỉnh chủ trương đa dạng hoá các loại hình dịch vụ phục vụ sản xuất và đời sống, góp phần giải quyết việc làm, chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Phát huy lợi thế cảng biển và vị trí thành phố Quy Nhơn nằm trên hành lang Đông Tây dọc theo quốc lộ 19 nối với Tây Nguyên, Nam Lào, Đông Bắc Campuchia, xây dựng Quy Nhơn thành một trung tâm thương mại của khu vực duyên hải Nam Trung Bộ và tăng quy mô, nâng cao dịch vụ và hiệu quả xuất khẩu.
    Khai thác lợi thế về cảnh quan, sinh thái, văn hoá và lịch sử, phát triển ngành du lịch thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh. Khuyến khích các thành phần kinh tế trong và ngoài nước đầu tư, kinh doanh du lịch tạo ra các sản phẩm du lịch đặc thù có sức cạnh tranh của địa phương. Nâng cấp và phát huy tác dụng các điểm du lịch Ghềnh Ráng, Quy Hoà, bảo tàng Quang Trung, Hầm Hô, các di tích kiến trúc nghệ thuật Chăm,..từng bước kêu gọi đầu tư một số khu du lịch mới, trước hết là khu du lịch từ bán đảo Phương Mai đến Núi Bà (Phù Cát), khu du lịch hồ Phú Hoà, tuyến du lịch dọc đường Quy Nhơn – sông Cầu và một số khách sạn đạt tiêu chuẩn quốc tế.
    Bên cạnh đó, kinh tế biển là một trong những tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, hệ sinh thái biển Bình Định thích hợp cho nhiều loại hải sản giá trị cao được thị trường trong, ngoài nước ưa chuộng. Cùng với việc triển khai chương trình đánh bắt xa bờ, tỉnh có chính sách khuyến khích ngư dân đóng tàu có công suất lớn và trang bị đồng bộ phương tiện hàng hải, nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh.

GIỚI THIỆU KHÁI QUÁT VỀ TỈNH BÌNH PHƯỚC (12)
I. Điều kiện tự nhiên
1. Vị trí địa lý: Bình Phước là một tỉnh miền núi ở phía Tây của vùng Đông Nam Bộ, phía Đông giáp tỉnh Lâm Đồng và Đồng Nai, phía Tây giáp tỉnh Tây Ninh và Campuchia, phía Nam giáp tỉnh Bình Dương, phía Bắc tỉnh Đắk Lắk và Campuchia. Ngày 20/02/2003, Chính phủ ban hành Nghị định số 17/2003/NĐ - CP về việc thành lập các huyện Chơn Thành, Bu Đông, thuộc tỉnh Bình Phước. Như vậy, hiện nay tỉnh Bình Phước có 8 huyện, thị xã.
2. Đặc điểm địa hình: Địa hình vùng lãnh thổ Bình Phước là cao nguyên ở phía Bắc và Đông Bắc, dạng địa hình đồi núi, thấp dần về phía Tây và Tây Nam.
3. Khí hậu: Bình Phước nằm trong vùng mang đặc trưng khí hậu nhiệt đới cận xích đạo gió mùa, có 2 mùa rõ rệt: mùa mưa và mùa khô. Nhiệt độ bình quân trong năm cao đều và ổn định từ 25,80C - 26,20C.
II. Tài nguyên thiên nhiên
1. Tài nguyên đất: Tỉnh Bình Phước có tổng diện tích tự nhiên là 6.855,99 km2, có 7 nhóm đất chính với 13 loại đất. Theo phân loại, đất chất lượng cao trở lên có 420.213 ha, chiếm 61,17% tổng diện tích đất tự nhiên, đất có chất lượng trung bình là 252.066 ha, chiếm 36,78% diện tích đất tự nhiên và đất có chất lượng kém, hoặc cần đầu tư chỉ có 7.884 ha, chiếm 1,15% tổng diện tích đất lâm nghiệp. Rừng của tỉnh Bình Phước đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc bảo vệ môi trường sinh thái của vùng Đông Nam Bộ, có tác dụng tham gia điều hoà dòng chảy của các con sông.
2 .Tài nguyên rừng: Tổng diện tích đất lâm nghiệp của tỉnh Bình Phước chiếm 351.629 ha, bằng 51,3% tổng diện tích đất toàn tỉnh. Trong đó đất có rừng là 165.701 ha, bằng 47,12% so diện tích đất lâm nghiệp. Vị trí của rừng tỉnh Bình Phước đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc bảo vệ môi trường sinh thái của vùng Đông Nam Bộ, có tác dụng tham gia điều hoà dòng chảy của các con sông.
3. Tài nguyên khoáng sản: Đã phát hiện được 91 mỏ, điểm quặng, điểm khoáng với 20 loại khoáng sản có tiềm năng triển vọng khác nhau thuộc 4 nhóm: nguyên liệu phân bón, kim loại, phi kim loại, đá quý và bán quý. Trong đó nguyên vật liệu xây dựng (đá, cát, sét, laterit, puzơlan), cao lanh, đá vôi… là loại khoáng sản có triển vọng và quan trọng nhất của tỉnh.
III. Tiềm năng kinh tế
1. Tiềm năng du lịch: Phát triển du lịch gắn với việc bảo vệ và tôn tạo cảnh quan, môi trường sinh thái các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh như rừng văn hoá lịch sử núi Bà Rá, hồ Suối Cam, hồ Suối Lam, trảng cỏ Bàu Lạch… Tỉnh đã tập trung tôn tạo, sửa chữa, nâng cấp một số di tích lịch sử như: căn cứ Bộ Chỉ huy Miền… Đang tập trung xây dựng khu du lịch Bà Rá - thác Mơ (đã và đang đầu tư xây dựng 18 km đường quanh núi Bà Rá, ký hợp đồng đầu tư tuyến cáp treo với số vốn đầu tư khoảng 48 tỷ đồng).
2. Những lợi thế so sánh: Bình Phước có điều kiện tự nhiên, khí hậu, đặc biệt là đất có chất lượng cao chiếm tới 61% diện tích rất phù hợp với các loại cây công nghiệp có giá trị cao như cao su, điều, cà phê, tiêu và một số cây trồng hàng năm như bắp, mì, đậu đỗ. Đây là yếu tố cơ bản nhằm tạo ra nguồn nguyên liệu phong phú để phát triển công nghiệp chế biến, xuất khẩu. Có nguồn tài nguyên khoáng sản, trong đo đáng lưu ý là mỏ đá vôi Tà Thiết cung cấp nguyên liệu cho sản xuất xi măng, cao lanh, đá xây dựng, sét, gạch ngói… đảm bảo cho nhu cầu phát triển trong tỉnh. Tỉnh cũng có tiềm năng lớn về rừng và đất rừng có thể phát triển và khai thác có hiệu quả tiềm năng này.
    Bình Phước có vị trí địa lý, có điều kiện kết cấu hạ tầng tuy mới bước đầu hình thành (viễn thông, điện, giao thông…) nhưng tương đối thuận lợi cho phát triển. Về điện có đường điện 500 KV di qua, có thuỷ điện thác Mơ công suất 150 MW và thuỷ điện Cần Đơn công suất 72 MW đang bắt đầu xây dựng. Về giao thông, ngoài các tuyến nội tỉnh khá thuận lợi, còn hai đường quốc lộ lớn xuyên suốt và nối liền tỉnh Bình Phước với các tỉnh trong cả nước, nước bạn Campuchia và đặc biệt là mở ra hướng giao lưu kinh tế - xã hội với các vùng Tây Nguyên và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Đó là những lợi thế so sánh nổi trội của tỉnh, tiền đề cho tỉnh phát triển vững chắc kinh tế - xã hội.

GIỚI THIỆU KHÁI QUÁT VỀ TỈNH BÌNH THUẬN (13)
I. Điều kiện tự nhiên
1. Vị trí địa lý: Bình Thuận là tỉnh duyên hải cực Nam Trung Bộ, thuộc vùng kinh tế Đông Nam Bộ và nằm trong khu vực chịu ảnh hưởng của địa bàn kinh tế trọng điểm phía Nam. Phía Bắc của tỉnh giáp tỉnh Lâm Đồng và Ninh Thuận, phía Tây giáp tỉnh Đồng Nai, phía Nam giáp Bà Rịa - Vũng Tàu, phía Đông và Đông Nam giáp biển Đông với đường bờ biển dài 192 km. Ngoài khơi có đảo Phú Quy cách thành phố Phan Thiết 120 km. Trung tâm tỉnh cách thành phố Hồ Chí Minh 200 km, cách thành phố Nha Trang 250 km, có quốc lộ 1A, đường sắt Bắc Nam chạy qua nối Bình Thuận với các tỉnh phía Bắc và phía Nam của cả nước, quốc lộ 28 nối liền thành phố Phan Thiết với các tỉnh Nam Tây Nguyên, quốc lộ 55 nối với trung tâm dịch vụ dầu khí và du lịch Vũng Tàu.
    Với vị trí trên, bên cạnh mối quan hệ kinh tế truyền thống với địa bàn kinh tế trọng điểm phía Nam, Bình Thuận sẽ có điều kiện mở rộng mối quan hệ giao lưu phát triển kinh tế với các tỉnh Tây Nguyên và cả nước. Sức hút của các thành phố và trung tâm phát triển như thành phố Hồ Chí Minh, Vũng Tàu, Nha Trang đã tạo điều kiện cho tỉnh đẩy mạnh sản xuất hàng hoá, tiếp thu nhanh khoa học và kỹ thuật.
2. Đặc điểm địa hình: Đại bộ phận lãnh thổ là đồi núi thấp, đồng bằng ven biển nhỏ hẹp, địa hình hẹp ngang kéo theo hướng Đông Bắc - Tây Nam, phân hoá thành 4 dạng địa hình: đất cát và cồn cát ven biển chiếm 18,22% diện tích đất tự nhiên, đồng bằng phù sa chiếm 9,43% diện tích đất tự nhiên, vùng đồi gò chiếm 31,65% diện tích đất tự nhiên, vùng núi thấp chiếm 40,7% diện tích đất tự nhiên. Với địa hình này đã tạo điều kiện cho tỉnh phát triển kinh tế đa dạng
3. Khí hậu: Tỉnh Bình Thuận nằm trong khu vực có vùng khô nhất cả nước, nhiều gió, nhiều nắng, không có mùa đông, nhiệt độ trung bình là 26,50C – 27,50C; lượng mưa trung bình là 800 - 1600 mm/năm, thấp hơn trung bình cả nước (1.900 mm/năm).
II. Tài nguyên thiên nhiên
1. Tài nguyên đất: Với diện tích 785.462 ha, Bình Thuận có 10 loại đất với 20 tổ đất khác nhau: đất cát, cồn cát ven biển và đất mặn phân bố dọc theo bờ biển từ Nam Tuy Phong đến Hàm Tân, diện tích là 146,5 nghìn ha (18,3% diện tích đất toàn tỉnh), với loại đất này có thể phát triển mô hình trồng cây ăn quả và các loại hoa mùa như dưa, hạt đậu các loại…; trên đất lợ có thể làm muối hoặc nuôi tôm nước lợ; đất phù sa với diện tích 75.400 ha (9,43% đất toàn tỉnh) phân bố ở vùng đồng bằng ven biển và vùng thung lũng sông La Ngà, diện tích đất này trồng được lúa nước, hoa màu và cây ăn quả…; đất xám có diện tích là 151.000 ha (19,22% diện tích đất toàn tỉnh), phân bố hầu hết trên địa bàn các huyện, thuận lợi cho việc phát triển cây điều, cao su, cây ăn quả và các loại cây có giá trị kinh tế cao. Diện tích còn lại chủ yếu là đồi núi, đất đỏ vàng, đất nâu vùng bán khô hạn… Những loại đất này sử dụng vào mục đích nông - lâm nghiệp.
2. Tài nguyên rừng: Theo kết quả kiểm kê hiện trạng rừng năm 1999, diện tích đất rừng của
tỉnh là 368.319 ha; diện tích rừng tự nhiên là 344.385 ha với tổng trữ lượng gỗ trên 19 triệu m3 và trên 95 triệu cây tre, nứa. Kiểu rừng gỗ lá rộng, kiểu rừng rụng lá, kiểu rừng hỗn giao lá kim chiếm ưu thế; kiểu rừng hỗn giao và tre nứa thuần loại. Điều đáng lưu ý là hiện nay đang diễn ra tình trạng giảm diện tích rừng giàu, rừng trung bình và tăng diện tích rừng hỗn giao tre, nứa và rừng trồng nguyên liệu.
3. Tài nguyên khoáng sản: Bình Thuận có nhiều tích tụ khoáng sản đa dạng về chủng loại: vàng, wolfram, chì, kẽm, nước khoáng và các phi khoáng khác. Trong đó, nước khoáng, sét, đá xây dựng có giá trị thương mại và công nghiệp.
    Trữ lượng sa khoáng ilmenít là 1,08 triệu tấn, zicon 193.000 tấn, đi cùng với zicon còn có nhiều monazít và đất hiếm. Nguồn khoáng sản rất lớn của Bình Thuận là thuỷ tinh với tổng trữ lượng 496 triệu m3 cấp P2, hàm lượng SiO2. Nó có thể đáp ứng được yêu cầu sản xuất thuỷ tinh cao cấp và kính dân dụng hoặc sản xuất nguyên liệu. Khoáng vật liệu xây dựng có các kết vôi 3,9 triệu m3 cấp P2 phân bố ở Vĩnh Hảo và Phước Thế, đá vôi san hô (Tuy Phong), sét gạch ngói phân bố ở nhiều nơi; đá xây dựng và trang trí ở Tà Kóu trữ lượng 45 triệu m3, núi nhọn (Hàm Tân) trữ lượng cấp P là 30 triệu m3.
    Bên cạnh đó, tỉnh còn có nhiều mỏ nước khoáng có trữ lượng lớn và chất lượng tốt, có khả năng khai thác thương mại sản xuất nước giải khát, sản xuất tảo; phục vụ dịch vụ tắm chữa bệnh và nghỉ dưỡng. Riêng 3 điểm nước suối Vĩnh Hảo, Văn Lâm, Hàm Cường và Đa Kai là các mỏ nước khoáng loại cácbonát - natri được dùng sản xuất nước giải khát với khả năng khai thác hàng năm khoảng 300 triệu lít.
III. Tiềm năng kinh tế
1. Tiềm năng du lịch: Bình Thuận là một tỉnh có nhiều tiềm năng, tài nguyên lợi thế cho phát triển du lịch: tiềm năng về nhân văn, tín ngưỡng, di tích lịch sử phục vụ cho phát triển loại hình du lịch tham quan nghiên cứu như: lịch sử văn hoá về dân tộc Chăm, chùa Hang, dinh Thầy Thím, lầu ông Hoàng gắn với nhà thơ Hàn Mặc Tử, di tích và lễ hội Nghinh Ông… Có bờ biển dài gần 200 km với nhiều bãi biển sạch đẹp, đồi cát, rừng cây ven biển, có suối nước nóng, nước khoáng… phát triển nhiều loại hình du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí và chữa bệnh. Có nhiều hồ, thác nước và rừng thích hợp cho các loại hình du lịch sinh thái.
    Với vị trí nằm giữa tam giác du lịch thành phố Hồ Chí Minh, Vũng Tàu – Đà Lạt – Nha Trang, với khoảng cách di chuyển không dài (2 – 4 tiếng đồng hồ), với hệ thống giao thông, đường bộ vừa được nâng cấp rất thuận lợi cho việc di chuyển và cùng với tiềm năng, tài nguyên du lịch như trên, trong những năm gần đây tỉnh đã tập trung quy hoạch, nâng cấp tôn tạo kết cấu hạ tầng kỹ thuật và dịch vụ trong các khu du lịch, thực hiện nhiều giải pháp, chính sách tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư... Những việc làm này đã và đang tạo cho tỉnh một lợi thế so sánh rất lớn về du lịch, có sức hấp dẫn, thu hút nhiều nhà đầu tư.
    Du lịch tỉnh đã và đang đạt mức độ phát triển nhanh cả về đầu tư cơ sở vật chất và lượng khách đến ngày càng được nâng lên. Hiện nay, toàn tỉnh đã thu hút được trên 250 dự án đầu tư phát triển du lịch, tập trung tại các khu du lịch Phan Thiết – Mũi Né, Tiến Thành – Hàm Thuận Nam. Trong đó, khoảng 60 dự án đã đi vào hoạt động. Nhiều dự án có quy mô lớn từ 50 – 200 ha. Lượng khách đến tham quan, nghỉ dưỡng tăng bình quân hàng năm 25 – 30%, trong đó khách du lịch quốc tế chiếm 7 – 8%; công suất huy động buồng, phòng bình quân đạt trên 60%.
2. Những lĩnh vực kinh tế có lợi thế so sánh: Tỉnh có lợi thế như trồng rừng nguyên liệu; kinh tế trang trại với các loại cây trồng chủ yếu như cao su, điều, thanh long, nho; nuôi bò sữa, bò thịt, gà, vịt công nghiệp, nuôi tôm nước lợ, sản xuất tôm giống, khai thác hải sản.
    Trong công nghiệp, tỉnh có tiềm năng để sản xuất nước suối, vật liệu xây dựng, đóng tàu thuyền, may mặc, chế biến nông - lâm - hải sản.

GIỚI THIỆU KHÁI QUÁT VỀ TỈNH CAO BẰNG (14)
 I. Điều kiện địa lý tự nhiên
1. Vị trí địa lý: Cao Bằng có diện tích tự nhiên 6.690,72 km², chiếm 2,12% diện tích cả nước. Phía Bắc và Đông Bắc giáp tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc), có đường biên giới dài 311 km, phía Tây giáp tỉnh Hà Giang và Tuyên Quang, phía Nam giáp tỉnh Bắc Kạn, phía Đông Nam giáp tỉnh Lạng Sơn. Là tỉnh miền núi vùng cao biên giới, xa các trung tâm kinh tế lớn của vùng Đông Bắc và cả nước nhưng Cao Bằng lại có ba cửa khẩu là Tà Lùng, Hùng Quốc và Sóc Hà. Đây là lợi thế quan trọng, tạo điều kiện cho tỉnh giao lưu kinh tế với bên ngoài, nhất là Trung Quốc.
2. Đặc điểm địa hình: Địa hình Cao Bằng chia cắt mạnh và phức tạp, hình thành 4 tiểu vùng kinh tế sinh thái: tiểu vùng núi đá vôi ở phía bắc và đông bắc chiếm 32%, tiểu vùng núi đất ở phía tây và tây nam chiếm 18% tiểu vùng núi đất thuộc thượng nguồn sông Hiến chiếm 38%, tiểu vùng bồn địa thị xã Cao Bằng và huyện Hoà An dọc sông Bằng chiếm 12% diện tích tự nhiên của tỉnh.
3. Khí hậu: Khí hậu Cao Bằng mang tính nhiệt đới gió mùa lục địa núi cao và có đặc trưng riêng so với các tỉnh miền núi khác thuộc vùng Đông Bắc. Có tiểu vùng có khí hậu á nhiệt đới. Đặc điểm này đã tạo cho Cao Bằng những lợi thế để hình thành các vùng sản xuất cây, còn phong phú đa dạng, trong đó có những cây đặc sản như dẻ hạt, hồng không hạt, đậu tương có hàm lượng đạm cao, thuốc lá, chè đắng… mà nhiều nơi khác không có điều kiện phát triển.
II. Tài nguyên thiên nhiên
1. Tài nguyên đất: Hiện nay, toàn tỉnh có khoảng 140.942 ha đất có khả năng phát triển nông nghiệp, chiếm 21% diện tích tự nhiên. Phần lớn đất được sử dụng để phát triển cây hàng năm, chủ yếu là cây lương thực, cây ăn quả, cây công nghiệp còn ít. Hiệu quả sử dụng đất còn thấp, hệ số sử dụng đất mới đạt khoảng 1,3 lần. Đất có khả năng phát triển lâm nghiệp có khoảng 408.705 ha, chiếm 61,1% diện tích tự nhiên, trong đó rừng tự nhiên khoảng 248.148 ha, rừng trồng14.448 ha, còn lại là đất trống, đồi núi trọc. Với phương thức nông lâm kết hợp, căn cứ độ dốc và tầng đất mặt đối với diện tích đất trống đồi núi trọc có thể trồng cây công nghiệp, cây ăn quả, cây đặc sản và chăn nuôi gia súc kết hợp với trồng rừng theo mô hình trang trại. Các loại đất chuyên dùng, đất xây dựng khu công nghiệp, đất xây dựng đô thị và đất xây dựng khác còn nhiều. Tỉnh cần có kế hoạch quản lý, sử dụng các loại đất trên cho hiệu quả, tạo thêm nguồn lực quan trọng để phát triển.
2. Tài nguyên rừng: Hiện trên địa bàn tỉnh chủ yếu là rừng nghèo, rừng non mới tái sinh, rừng trồng và rừng vầu nên trữ lượng gỗ ít. Rừng tự nhiên còn một số gỗ quý như nghiến, sến, tô mộc, lát nhưng không còn nhiều, dưới tán rừng còn có một số loài đặc sản quý như sa nhân, bạch truật, ba kích, hà thủ ô và một số loài thú quý hiếm như: gấu, hươu, nai, và một số loài chim…Mấy năm gần đây, nhờ có chủ trương và chính sách xã hội hoá nghề rừng, giao đất giao rừng, thực hiện chương trình 327, chương trình 5 triệu ha rừng, PAM 5322 và trồng rừng quốc gia nên tài nguyên rừng đang dần được phục hồi, độ che phủ rừng đạt 40% năm 2000, 45% năm 2002, lập lại thế cân bằng sinh thái. Trữ lượng gỗ, lâm sản tăng lên sẽ có những đóng góp cho nền kinh tế tỉnh trong tương lai.
3. Tài nguyên khoáng sản: Cao Bằng có nguồn tài nguyên khoáng sản đa dạng, đến cuối năm1999, trên địa bàn tỉnh đã đăng ký 142 mỏ và điểm quặng với 22 loại khoáng sản. Đáng kể nhất là quặng sắt trữ lượnghàng nghìn triệu tấn, có nhiều công dụng trong sản xuất vật liệu xây dựng. Số liệu điều tra địa chất hiện có đã cho phép Cao Bằng hoạch định quy hoạch phát triển khai thác và chế biến đối với các khoáng sản nêu trên. Đồng thời cần tiếp tục điều tra thăm dò chi tiết hơn đối với các khoáng sản còn tiềm năng như vàng, đôlômít, thạch anh, antimon, vofram…
III.Tiềm năng kinh tế
1. Những lĩnh vực kinh tế lợi thế: Cao Bằng có nhiều cửa khẩu thông thương với Trung Quốc tạo thuận lợi giao lưu, mở rộng thị trường xuất nhập khẩu hàng hoá. Bên cạnh đó nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, đa dạng cũng là tiền đề để phát triển ngành công nghiệp của tỉnh. Đất nông – lâm nghiệp còn tiềm năng chưa được khai thác, đất vườn tạp còn nhiều, khả năng thâm canh tăng vụ còn lớn. Đó là các cơ sở và cũng là điều kiện cho phép phát triển một nền nông nghiệp hiệu quả. Với những đặc điểm địa hình, đất đai, nguồn nước và khí hậu đã tạo cho Cao Bằng có điều kiện phát triển một nền nông lâm nghiệp đa dạng, phong phú với nhiều loại cây, con sinh trưởng và phát triển tốt cho sản phẩm có giá trị hàng hoá cao, được thị trường trong và ngoài nước ưa chuộng. Nhân dân các dân tộc Cao Bằng có truyền thống cách
mạng, yêu nước, đoàn kết xây dựng quê hương
2. Tiềm nămg du lịch: Cao Bằng có nhiều tiềm năng về du lịch cả tự nhiên và nhân văn với những di tích lịch sử, văn hoá được xếp hạng như di tích Pắc Bó, Lam Sơn, khu rừng Trần Hưng Đạo, khu di tích lịch sử Đông Khê, hầm pháo đài thị xã, thác Bản Dốc, động Ngườm Ngao, hồ Thang Hen…và các cửa khẩu. Ngoài ra tỉnh còn có nhiều dân tộc với truyền thống văn hoá, lễ hội đa dạng, độc đáo, sẽ là điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch.

GIỚI THIỆU KHÁI QUÁT VỀ TỈNH CÀ MAU (15)
I. Điều kiện tự nhiên
1. Vị trí địa lý: Tỉnh Cà Mau được tái lập từ cuối năm 1996, là mảnh đất tận cùng của tổ quốc với 3 mặt tiếp giáp với biển: phía Đông giáp với biển Đông, phía Tây và phía Nam giáp với vịnh Thái Lan, phía Bắc giáp với 2 tỉnh Bạc Liêu và Kiên Giang. Tổng diện tích tự nhiên của tỉnh là 5.210 km2, bằng 13,1% diện tích vùng đồng bằng sông Cửu Long và bằng 1,58% diện tích cả nước. Tỉnh Cà Mau có 6 huyện và một thành phố (gồm thành phố Cà Mau, các huyện Thới Bình, U Minh, Trần Văn Thời, Cái Nước, Đầm Dơi, Ngọc Hiển). Ngày 17-11-2003, Chính phủ ban hành Nghị định số 138/2003/NĐ - CP về việc thành lập các huyện Năm Căn và Phú Tân, tỉnh Cà Mau. Như vậy, hiện nay tỉnh Cà Mau có 8 huyện và 1 thành phố. Với vị trí địa lý nằm ở tâm điểm vùng biển các nước Đông Nam Á nên Cà Mau có nhiều thuận lợi giao lưu, hợp tác kinh tế với các nước trong khu vực.
2. Đặc điểm địa hình: Cà Mau là vùng đất thấp, thường xuyên bị ngập nước. Hiện nay đang có hiện tượng bồi lở ở cả 2 phía biển Đông và Tây. Cà Mau có 5 nhóm đất chính gồm: đất phèn, đất than bùn, đất bãi bồi, đất mặn và đất kênh rạch. Nhóm đất mặn với 150.278 ha tập trung chủ yếu ở ven Biển Ðông và phía Nam thành phố Cà Mau, các huyện Ðầm Dơi, Cái Nước, Ngọc Hiển và Trần Văn Thời. Ðất phèn với diện tích rất lớn khoảng 334.925 ha, chiếm 64,27% diện tích tự nhiên, phân bổ hầu hết ở các huyện trong tỉnh. 
3. Khí hậu: Tỉnh Cà Mau mang đặc trưng của khí hậu nhiệt đới gió mùa cận xích đạo, với nền nhiệt độ cao vào loại trung bình trong tất cả các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Nhiệt độ trung bình hàng năm là 26,50C. Nhiệt độ trung bình cao nhất trong năm là vào tháng 4, khoảng 27,60C; nhiệt độ trung bình thấp nhất vào tháng 1, khoảng 250C. Biên nhiệt độ trung bình trong 1 năm là 2,70C.
    Cà Mau có 2 mùa rõ rệt: mùa mưa và mùa khô. Mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 11; mùa khô từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau. Lượng mưa ở Cà Mau trung bình có 165 ngày mưa/năm, với 2.360 mm. Lượng bốc hơi trung bình khoảng 1.022 mm/năm; mùa khô có lượng bốc hơi lớn nhất. Độ ẩm trung bình năm là 85,6%, mùa khô độ ẩm thấp; đặc biệt vào tháng 3, độ ẩm thường đạt khoảng 80%.
    Chế độ gió cũng theo mùa. Mùa khô hướng gió thịnh hành theo hướng Đông Bắc và Đông, với vận tốc trung bình khoảng 1,6 - 2,8 m/s. Mùa mưa gió thịnh hành theo hướng Tây – Nam hoặc Tây, với tốc độ trung bình 1,8 - 4,5 m/s. Vào mùa mưa, thỉnh thoảng có giông hay lốc xoáy tới cấp 7, cấp 8.
    Chế độ thuỷ triều ở khu vực tỉnh Cà Mau chịu tác động trực tiếp của chế độ bán nhật triều không đều biển Đông và chế độ bán nhật triều không đều ở biển Tây. Biên độ triều biển Đông tương đối lớn, khoảng 300 - 350 cm vào các ngày triều cường, và từ 180 - 220 cm vào các ngày triều kém.
    Chế độ thuỷ văn của hệ thống sông rạch chịu ảnh hưởng trực tiếp của triều quanh năm, với nhiều cửa sông rộng thông ra biển. Phía ngoài cửa sông, ảnh hưởng của thuỷ triều mạnh; càng vào sâu trong nội địa biên độ triều càng giảm, vận tốc lan triều trên sông rạch tương đối nhỏ.
II. Tài nguyên thiên nhiên
1. Tài nguyên đất: Cà Mau có các nhóm đất chính:
    Nhóm đất mặn có diện tích 208.496 ha, hiếm 40% diện tích tự nhiên. Đất mặn phân bố chủ yếu ở các huyện Đầm Dơi, Cái Nước, Ngọc Hiển, Trần Văn Thời, U Minh, Thới Bình và thành phố Cà Mau.
    Nhóm đất phèn có diện tích 271.926 ha, chiếm 52,18% diện tích tự nhiên; phân bố chủ yếu
ở các huyện Thới Bình, U Minh và Trần Văn Thời.
    Nhóm đất phèn nhiễm mặn phân bố ở những vùng ven biển. Đối với diện tích đất phèn không ngập mặn có thể trồng lúa trong mùa mưa, trồng các cây công nghiệp chịu phèn như: mía, khóm, chuối, tràm…Đối với diện tích phèn bị ngập mặn có thể trồng rừng ngập mặn, nuôi thuỷ sản.
    Ngoài ra , còn có nhóm đất than bùn, với diện tích khoảng 8.000 ha, phân bố ở các huyện U Minh, Trần Văn Thời và nhóm đất bãi bồi với diện tích 15.488 ha, phân bố ở các huyện Ngọc Hiển và Cái Nước.
    Diện tích đất nông nghiệp toàn tỉnh là 351.355 ha, chiếm 67,63%; đất lâm nghiệp có rừng là 104.805 ha, chiếm 20,18%; đất chuyên dùng có 17.072 ha, chiếm 3,29%; đất ở có 5.502 ha, chiếm 1,06%; đất chưa sử dụng và sông suối có 40.773 ha, chiếm 7,85%.
2. Tài nguyên rừng: Rừng Cà Mau là loại hình sinh thái đặc thù, rừng sinh thái ven biển ngập mặn được phân bố dọc ven biển với chiều dài 254 km. Bên cạnh đó, Cà Mau còn có hệ sinh thái rừng tràm nằm sâu trong lục địa ở các huyện U Minh, Trần Văn Thời, Thới Bình quy mô 35.000 ha. Diện tích rừng ngập mặn ở Cà Mau chiếm 77% rừng ngập mặn của vùng đồng bằng sông Cửu Long.
    Tổng trữ lượng rừng Cà Mau là 2.205.701 m3, trong đó rừng tràm là 1.435.757 m3 và rừng ngập mặn là 769.994 m3 (kết quả điều tra tài nguyên rừng năm 1999). Ngoài ra, trên các cụm đảo Hòn Khoai, Hòn Chuối có 538 ha rừng, trữ lượng 50.520 m3.
3. Tài nguyên khoáng sản: Theo nhiều tài liệu nghiên cứu, trong vùng biển Cà Mau đã phát hiện có trữ lượng dầu khí khá lớn, nhiều triển vọng khai thác và phát triển công nghiệp dầu khí. Theo báo cáo quy hoạch tổng thể phát triển khí Tây Nam và nghiên cứu khả thi đường ống dẫn khí Tây Nam của Tổng công ty Dầu khí Việt Nam, tại vùng bồn trũng Malay - Thổ Chu phía Tây Nam đã có các phát hiện về khí có giá trị tại khu vực PM – 3 - CAA. Chỉ riêng các khu vực đang thăm dò – khai thác và một số lô có tài liệu khảo sát đã cho trữ lượng tiềm năng khoảng 172 tỷ m3, trong đó đã phát hiện 30 tỷ m3. Khả năng phát triển và khai thác tối đa các mỏ khí dự báo có thể đạt sản lượng khai thác đỉnh là 8,25 tỷ m3/năm.
    Theo các số liệu điều tra, ở rừng U Minh Hạ còn có trữ lượng than bùn khá lớn. Nhưng do rừng bị cháy nhiều lần, hiện nay dự tính lượng than bùn còn khoảng 5000 ha. Than bùn U Minh có thể sử dụng làm chất đốt, phân hữu cơ vi sinh và các chế phẩm khác.
III. Tiềm năng kinh tế
1. Tiềm năng du lịch: Qua lịch sử lâu dài, con người và thiên nhiên Cà Mau đã tạo nên những nguồn lực  khá phong phú, chứa đựng nhiều tiềm năng du lịch với các tuyến, điểm và hình thức đa dạng.
    Tổng chiều dài của hệ thống kênh rạch tỉnh Cà Mau lên tới 7000 km, chiếm 4% diện tích tự nhiên của tỉnh, xen vào đó là các dải vườn cây, các sân chim tự nhiên, nhân tạo với nhiều loại chim quý hiếm, các rừng tràm bát ngát… tạo nên các tuyến du lịch sinh thái hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế. Các đảo Hòn Khoai, Hòn Chuối, Hòn Đá Bạc, Hòn Buông… là những nơi còn giữ được vẻ đẹp nguyên thuỷ của tự nhiên, những điểm du lịch hấp dẫn.
    Ngoài ra, Cà Mau còn có nhiều di tích lịch sử được xếp hạng, những lễ hội truyền thống chung và riêng của các dân tộc sống trên địa bàn tỉnh mang đậm bản sắc văn hoá Việt Nam và văn hoá vùng đồng bằng Nam Bộ.
2. Những lĩnh vực kinh tế lợi thế: Kinh tế thuỷ sản phát triển ngày càng nhanh, thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của nền kinh tế Cà Mau. Diện tích nuôi thuỷ sản ngày càng được mở rộng. Tỉnh đã quy hoạch phương án chuyển đổi một số diện tích trồng lúa nhiễm phèn mặn không có hiệu quả sang nuôi tôm kết hợp trồng lúa. Từ đó, dịch vụ kinh tế thuỷ sản phát triển khá, nhất là lĩnh vực cung ứng tôm giống; công nghiệp chế biến thuỷ sản cũng có tốc độ tăng nhanh. Bên cạnh đó, với vị trí địa lý có 3 mặt giáp biển, tỉnh cũng có rất nhiều lợi thế trong quá trình phát triển, trong đó có khai thác dầu khí

GIỚI THIỆU KHÁI QUÁT VỀ THÀNH PHỐ CẦN THƠ (16)
I. Điều kiện tự nhiên
1. Vị trí địa lý: Thành phố Cần Thơ nằm giữa đồng bằng sông Cửu Long về phía Tây Sông Hậu, trên trục giao thông thuỷ - bộ quan trọng nối Cần Thơ với các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam Bộ và các vùng của cả nước. Ngày 26/11/2003, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 22/2003/QH11 về việc điều chỉnh địa giới hành chính một số tỉnh; trong đó có chia tỉnh Cần Thơ thành thành phố Cần Thơ trực thuộc trung ương và tỉnh Hậu Giang. Như vậy, hiện nay thành phố Cần Thơ gồm 8 đơn vị hành chính là 4 quận: Ninh Kiều, Bình Thuỷ, Cái Răng, Ô môn và 4 huyện: Phong Điền, Cờ Đỏ, Vĩnh Thạnh, Thốt Nốt; có 67 đơn vị hành chính phường, xã, thị trấn: 30 phường, 33 xã và 4 thị  trấn.
2. Đặc điểm địa hình:  Địa hình thành phố Cần Thơ tương đối bằng phẳng và cao dần từ Bắc xuống Nam. Vùng phía Bắc là vùng trũng nên thường bị ngập úng vào mùa mưa lũ tháng 9 hàng năm.
3. Khí hậu: Khí hậu nhiệt đới gió mùa của Cần Thơ tương đối ôn hoà. Nhiệt độ trung bình khoảng 26 - 270C và không chênh lệch nhiều giữa các tháng trong năm, cao nhất không vượt quá 280C, thấp nhất không dưới 170C, mỗi năm có khoảng 2.500 giờ nắng với số giờ nắng bình quân 7h/ngày, độ ẩm trung bình 82% và dao động theo mùa.
II. Tài nguyên thiên nhiên
1. Tài nguyên đất: Được bồi đắp thường xuyên của sông Hậu và các sông khác nên đất đai Cần Thơ tương đối màu mỡ. Diện tích đất phù sa có trên 14,6 vạn ha, chiếm 49,6% diện tích tự nhiên, hình thành một vùng rộng lớn, trải dài từ Thốt Nốt qua Ô Môn đến thành phố Cần Thơ. Ngoài ra Cần Thơ còn một số loại đất khác, trong đó có đất nhiễm mặn ít, đất nhiễm phèn nhưng không nhiễm mặn. Nhìn chung, khí hậu và thổ nhưỡng Cần Thơ rất thuận lợi cho việc phát triển nền nông nghiệp đa ngành với nhiều loại cây trồng và vật nuôi.
2. Tài nguyên khoáng sản: Trên địa bàn Cần Thơ bước đầu cũng đã tìm thấy một số loại khoáng sản cho phép khai thác quy mô công nghiệp. Than bùn có ở các quận, huyện Ô Môn và Thốt Nốt. Riêng than bùn ở Ô Môn đã có trữ lượng 150 nghìn tấn. Sét gạch ngói đã phát hiện được 3 điểm lớn, chất lượng tốt với tầng đất dày 1 – 2 m và tổng trữ lượng khoảng 16,8 triệu m3. Cát xây dựng có ở nhiều nơi, tập trung nhất ở cù lao Linh, cù lao Khế. Nước khoáng cũng đã tìm thấy ở một số điểm có độ nóng 420C với lưu áp 16 lít/s.
III. Tiềm năng kinh tế
1. Tiềm năng du lịch: Cần Thơ có tiềm năng để phát triển du lịch theo hướng du lịch xanh, sinh thái kết hợp với  tham quan các di tích văn hoá, lịch sử, nhân văn, phát huy ưu thế sông nước, miệt vườn của vùng đồng bằng sông Cửu Long. Phát triển du lịch theo quy hoạch nhằm đáp ứng nhu cầu tham quan, giải trí, an dưỡng của khách du lịch trong và ngoài nước.
2. Những lĩnh vực lợi thế kinh tế: Cần Thơ có khoảng 1.000 ha mặt nước nuôi trồng thuỷ sản, thích hợp với nuôi thuỷ sản nước ngọt, tập trung đầu tư khai thác nuôi thuỷ sản nước ngọt để trở thành lĩnh vực có lợi thế trong ngành nông nghiệp của tỉnh. Thời kỳ 2001 - 2005, dự kiến đầu tư khai thác ít nhất 40.000 ha mặt nước nuôi thuỷ sản, sản lượng nuôi trên 60.000 tấn đáp ứng nhu cầu tiêu dùng nội địa và khai thác tối đa năng lực chế biến, nâng kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản.
    Thành phố Cần Thơ đã và đang khai thác có hiệu quả lợi thế tự nhiên, sinh thái trồng cây ăn quả, tập trung vào các loại cây chủ lực như xoài, bưởi, sầu riêng, nhăn, chôm chôm, măng cụt, cam, quýt sạch bệnh. Các quận, huyện của thành phố có thể tập trung đầu tư kinh tế vườn kết hợp với khai thác du lịch thành thế mạnh gồm Ô Môn, vùng ven và các cồn của thành phố Cần Thơ.
    Ngành công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp của tỉnh phát triển dựa trên nguồn lao động và nguyên liệu tại chỗ. Cần Thơ đầu tư tập trung công nghiệp chế biến, ứng dụng công nghiệp hiện đại để chế biến nông sản phẩm, trong đó chú trọng công nghiệp sau thu hoạch. Chú trọng xây dựng kết cấu hạ tầng các khu công nghiệp, khu chế xuất để thu hút đầu tư

GIỚI THIỆU KHÁI QUÁT VỀ THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG (17)
I. Điều kiện địa lý tự nhiên
1. Vị trí địa lý: Hải Phòng là thành phố ven biển, nằm phía Đông miền duyên hải Bắc Bộ, cách
thủ đô Hà Nội 102 km, phía Bắc và Đông Bắc giáp Quảng Ninh, phía Tây Bắc giáp Hải Dương, phía Tây Nam giáp Thái Bình và phía Đông là bờ biển chạy dài theo hướng Tây Bắc – Đông Nam từ phía Đông đảo Cát Hải đến cửa sông Thái Bình. Là nơi hội tụ đầy đủ các lợi thế về đường biển, đường sắt, đường bộ và đường hàng không, giao lưu thuận lợi với các tỉnh trong cả nước và các quốc gia trên thế giới. Do có cảng biển, Hải Phòng giữ vai trò to lớn đối với xuất nhập khẩu của vùng Bắc Bộ, tiếp nhận nhanh các thành tựu khoa học – công nghệ từ nước ngoài để rồi lan toả chúng trên phạm vi rộng lớn từ bắc khu Bốn cũ trở ra. Cảng biển Hải Phòng cùng với sự xuất hiện của cảng Cái Lân (Quảng Ninh) với công suất vài chục triệu tấn tạo thành cụm cảng có quy mô ngày càng lớn góp phần đưa hàng hoá của Bắc bộ đến các vùng của cả nước, cũng như tham gia dịch vụ vận tải hàng hoá quá cảnh cho khu vực Tây Nam Trung Quốc.
2. Đặc điểm địa hình: Tổng diện tích của thành phố Hải Phòng là 1.519 km2, bao gồm cả huyện đảo (Cát Hải và Bạch Long Vĩ). Đồi núi chiếm 15% diện tích, phân bố chủ yếu ở phía Bắc, do vậy địa hình phía bắc có hình dáng và cấu tạo địa chất của vùng trung du với những đồng bằng xen đồi. Phía nam có địa hình thấp và khá bằng phẳng kiểu địa hình đặc trưng vùng đồng bằng thuần tuý nghiêng ra biển, có độ cao từ 0,7 – 1,7 m so với mực nước biển. Vùng biển có đảo Cát Bà được ví như hòn ngọc của Hải Phòng, một đảo đẹp và lớn nhất trong quần thể đảo có tới trên 360 đảo lớn, nhỏ quây quần bên nó và nối tiếp với vùng đảo vịnh Hạ Long. Đảo chính Cát Bà ở độ cao 200 m trên biển, có diện tích khoảng 100 km2, cách thành phố 30 hải lý. Cách Cát Bà hơn 90 km về phía Đông Nam là đảo Bạch Long Vĩ, khá bằng phẳng và nhiều cát trắng.
3. Khí hậu: Chịu ảnh hưởng của khí hậu nhiệt đới gió mùa, trong đó, từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau là khí hậu của một mùa đông lạnh và khô, từ tháng 5 đến tháng 10 là khí hậu của mùa hè, nồm mát và mưa nhiều. Lượng mưa trung bình từ 1.600 – 1.800 mm/năm. Do nằm sát biển nên vào mùa đông, Hải Phòng ấm hơn 1oC và mùa hè mát hơn 1oC so với Hà Nội. Nhiệt độ trung bình trong năm 23 – 26oC, tháng nóng nhất (tháng 6,7) nhiệt độ có thể lên đến 44oC và tháng lạnh nhất (tháng 1,2) nhiệt độ có thể xuống dưới 5oC. Độ ẩm trung bình vào khoảng 80 – 85%, cao nhất vào tháng 7, 8, 9 và thấp nhất là tháng 1, 12.
II. Tài nguyên thiên nhiên
1. Tài nguyên đất: Hiện nay, Hải Phòng có 62.127 ha đất canh tác, hình thành phần lớn từ hệ thống sông Thái Bình và vùng đất bồi ven biển nên chủ yếu mang tính chất đất phèn và phèn mặn. Tuy nhiên, Hải Phòng có nhiều vùng đất thích hợp với các giống lúa có chất lượng gạo ngon như di hương, tám xoan. Trên diện tích đất canh tác có gần 50% diện tích có thể trồng 3 vụ (2 vụ lúa, 1 vụ màu). Ngoài ra, trồng hoa cũng là một trong những thế mạnh ở một số vùng nông nghiệp Hải Phòng, đặc biệt là vùng đất ven đô thị diện tích trồng hoa khoảng 250 – 300 ha. Trong nhiều cây công nghiệp, Hải Phòng có kinh nghiệm và tiềm năng mở rộng sản xuất 2 loại cây trồng chính là cói và thuốc lào. Với hàng nghìn héc ta đất bãi bồi, trước đây Hải Phòng đã hình thành vùng cói tập trung diện tích trên 1.00 ha. Diện tích trồng cây thuốc lào khoảng 1.100 – 1.300 ha, hàng năm sản xuất từ 1.00 – 1.300 tấn, Hải phòng nổi tiếng với thuốc lào Vĩnh Bảo, Tiên Lãng, hương vị thơm ngon, êm say. Cây ăn quả chủ yếu của Hải Phòng là chuối, cam, vải… Diện tích vườn quả khoảng 2.500 ha. Ngoài ra, Hải Phòng còn có trên 23.000 ha bãi triều đá nổi và ngập nước, trong đó có 9.000 ha bãi triều cao có thể tổ chức nuôi trồng thuỷ sản và hiện còn 13.000 ha bãi nổi còn bỏ hoang.
2. Tài nguyên rừng: Hải Phòng có rừng ngập mặn và rừng cây lấy gỗ, ăn quả, tre, mây,… với diện tích 17.000 ha. Rừng nguyên sinh Cát Bà với thảm thực vật phong phú, đa dạng, nhiều loại thảo mộc quý hiếm như lát hoa, kim giao, đinh…, hệ động vật đa dạng với 36 loài chim (đại bàng, hải âu, đa đa, én,…), 28 loài thú (khỉ mặt đỏ, khỉ mặt vàng, sơn dương, sóc đuôi đỏ, rái cá, mèo rừng,…). Đặc biệt là loài voọc đầu trắng, trên thế giới chỉ thấy ở Cát Bà. Bên cạnh đó, Đồ Sơn là một bán đảo đồi núi, rừng thông nối tiếp nhau vươn ra biển dài đến 5 km, có giá trị chủ yếu về phong cảnh và môi trường sinh thái. Trong đất liền có vùng Núi Voi, nằm ở phía bắc thị xã Kiến An và Tràng Kênh (huyện Thuỷ Nguyên) là một quần thể thiên nhiên đa dạng, cấu tạo chủ yếu là núi đá vôi, nhiều hang động kỳ thú… là những địa danh nổi tiếng của thành
phố Cảng.
3. Tài nguyên khoáng sản: Hải Phòng có 2 dải núi chạy liên tục theo hướng Đông Bắc – Tây Nam với nhiều núi đá vôi, chủ yếu tập trung ở Tràng Kênh (Thuỷ Nguyên), Cát Bà… với trữ lượng trên 200 triệu tấn. Khoáng sản gốc kim loại không nhiều với một số mỏ như: mỏ sắt Dương Quan (Thuỷ Nguyên), kẽm (Cát Bà), than (Vĩnh Bảo), cao lanh Doãn Lại (Thuỷ Nguyên), sét Tiên Hội, Chiến Thằng (Tiên Lãng)…Muối và cát tập trung chủ yếu ở vùng bãi giữa sông và bãi biển Cát Hải, Tiên Lãng, Vĩnh Bảo, Kiến Thuỵ, Đồ Sơn.
III. Tiềm năng kinh tế
1. Những lĩnh vực kinh tế lợi thế: Hải Phòng ở vị trí thuận lợi, cửa ngõ giao thương của miền Bắc Việt Nam. Là một trong ba đỉnh của tam giác kinh tế trọng điểm (Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh). Hệ thống đường thuỷ cùng với mạng lưới đường bộ, đường sắt, cảng biển và hàng không đã tạo cho Hải Phòng nhiều điều kiện thuận lợi trong lưu thông phát triển kinh tế. Đặc biệt, thời gian qua, quốc lộ 5 được nâng cấp theo tiêu chuẩn quốc tế, hệ thống cảng Hải Phòng được mở rộng, sân bay Cát Bi được cải tạo và nâng cấp đã tạo cho Hải Phòng nhiều điều kiện thuận lợi để chuyển tải hàng hoá xuất, nhập khẩu cho tỉnh vùng Bắc Bộ, các tỉnh Tây Nam Trung Quốc, đồng thời có khả năng thiết lập mối quan hệ hàng hải và hàng không với các nước trong vùng Đông Nam Á và thế giới.
    Hiện nay, cảng Hải Phòng là một trong những cảng biển lớn nhất Việt Nam, kéo dài hơn 12 km gồm những cảng hàng rời, cảng côngtennơ, cảng hàng nặng, sản lượng xếp dỡ đạt hơn 10 triệu tấn/năm và dự kiến sẽ nâng lên từ 20 – 30 triệu tấn vào năm 2010.
    Thêm nữa, với nhiều vùng đất và diện tích mặt nước giàu tiềm năng, vẫn có khả năng phát triển đánh bắt, nuôi trồng, chế biến hải sản xuất khẩu đã tạo nên tiềm năng lớn cho phát triển kinh tế và giải quyết các vấn đề xã hội.
    Những vùng biển đẹp, nhiều loại động, thực vật quý hiếm… đã trở thành những địa điểm du lịch lý tưởng thu hút du khách trong và ngoài nước, mang lại cho Hải Phòng nguồn thu ngân sách không nhỏ.
    Bên cạnh đó, Hải Phòng có tiềm năng lao động dồi dào, trình độ dân trí cao so với cả nước. Dự báo đến năm 2010, dân số Hải Phòng sẽ là 2,06 triệu người, trong đó có 1,2 triệu lao động. Tốc độ tăng trưởng công nghiệp đạt gần 20%/năm; hình thành một khu, cụm công nghiệp (đến 2010 có 14 khu, cụm công nghiệp) và ngành sản xuất công nghiệp mũi nhọn sẽ là cơ sở để Hải Phòng tăng tốc phát triển kinh tế - xã hội, từng bước khẳng định vững chắc vị thế là thành phố đứng thứ ba của cả nước.
2. Tiềm năng du lịch: Biển Hải Phòng có hình một đường cong lõm, là một bộ phận thuộc Tây Bắc vịnh Bắc Bộ với đường bờ biển dài hơn 125 km, thấp và bằng phẳng. Mũi Đồ Sơn nhô ra biển như một bán đảo, tạo cho Đồ Sơn một vị trí chiến lược quan trọng và thắng cảnh thiên nhiên nổi tiếng. Ngoài khơi thuộc địa phận Hải Phòng có nhiều đảo rải rác như Cát Bà, Bạch Long Vĩ. Trong đó, Cát Bà là đảo lớn thứ hai trong vịnh Bắc Bộ (sau đảo Cái Bàu - Quảng Ninh) với nhiều hang động và những cánh rừng nguyên sinh. Đặc biệt, vườn quốc gia Cát Bà với nhiều chủng loại, chi họ của hệ động, thực vật và các danh thắng trên đảo đã biến vườn trở thành một khu du lịch nổi tiếng.
    Ngoài ra, Hải Phòng có nhiều di tích lịch sử, trong đó có 94 di tích được Bộ Văn hoá – Thông tin chứng nhận. Những di chỉ Cái Bèo, Núi Voi (An Lão), Tràng Kênh; những làng nghề truyền thống như tạc tượng, chạm khắc, đúc đồng, thảm len; các lễ hội như trọi trâu Đồ Sơn, chơi đu, bơi thuyền, hội vật… mang đến thế mạnh trong phát triển thương mại và du lịch địa phương.

GIỚI THIỆU KHÁI QUÁT VỀ THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG (18)
I. Điều kiện tự nhiên
1. Vị trí địa lý: Thành phố Đà Nẵng nằm ở trung độ của đất nước, nằm trên trục giao thông Bắc - Nam về đường bộ, đường sắt, đường biển và đường hàng không. Quốc lộ 14B nối cảng biển Tiên Sa, Liên Chiểu đến Tây Nguyên và trong tương lai gần nối với hệ thống đường xuyên Á qua Lào; Đông Bắc Campuchia, Thái Lan, Mianma. Đà Nẵng còn là một trong những cửa ngõ quan trọng ra biển của Tây Nguyên và các nước trên đến các nước vùng Đông Bắc Á.
2. Đặc điểm địa hình: Địa hình thành phố vừa có đồng bằng vừa có đồi núi, vùng núi cao và dốc tập trung ở phía Tây và Tây Bắc, một số đồi thấp xen kẽ những đồng bằng hẹp. Đồng bằng ven biển là vùng đất thấp chịu ảnh hưởng của biển bị nhiễm mặn, lại là vùng tập trung nhiều cơ sở nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, quân sự và các khu chức năng của thành phố. Địa hình đồi núi chiếm diện tích lớn, chủ yếu ở độ cao 700 - 1500 m, độ dốc lớn, là nơi tập trung nhiều rừng đầu nguồn có tác dụng bảo vệ môi trường sinh thái và phát triển du lịch của thành phố.
3. Khí hậu: Đà Nẵng nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới, gió mùa điển hình, nhiệt độ cao và ít biến động. Chế độ ánh sáng, mưa ẩm phong phú, nhiệt độ trung bình hàng năm trên 250C. Rừng núi Bà Nà ở độ cao gần 1.500 m, nhiệt độ trung bình khoảng 200C, là địa bàn du lịch nghỉ mát lý tưởng.
    Khí hậu thành phố là nơi chuyển tiếp đan xen giữa khí hậu miền Bắc và miền Nam mà tính trội là khí hậu nhiệt đới điển hình ở phía Nam, có 2 mùa rõ rệt là mùa mưa và mùa khô, thỉnh thoảng có đợt rét nhưng không đậm và kéo dài.
II. Tài nguyên thiên nhiên
1. Tài nguyên đất: Với diện tích 125.624,46 ha, thành phố có các loại đất: cồn cát và đất cát ven biển, đất mặn, đất phèn, đất phù sa, đất xám bạc màu, đất đen, đất đỏ vàng, đất mùn đỏ vàng, đất thung lũng, đất xói mòn trơ sỏi đá. Quan trọng là nhóm đất phù sa thích hợp với thâm canh lúa, trồng rau, hoa quả ven đô và nhóm đất đỏ vàng thích hợp với cây công nghiệp dài ngày, cây đặc sản, dược liệu, chăn nuôi gia súc.
2. Tài nguyên rừng: Diện tích đất lâm nghiệp là 51.854 ha, chiếm 41,3% diện tích lãnh thổ, trong đó đất rừng tự nhiên là 36.729,44 ha, tập trung chủ yếu ở phía Tây huyện Hoà Vang, một số ít ở quận Liên Chiểu, quận Sơn Trà, đất rừng trồng là 15.124,42 ha, có hầu hết ở các quận, huyện trong thành phố nhưng tập trung chủ yếu vẫn là huyện Hoà Vang, quận Liên Chiểu, quận Ngũ Hành Sơn. Tỷ lệ che phủ rừng đạt 49,6%, trữ lượng gỗ khoảng 3 triệu m3, phân bố chủ yếu ở nơi có độ dốc lớn, địa hình phức tạp, tập trung ở Sơn Trà, Hải Vân và Tây Hoà Vang.
    Rừng của thành phố ngoài ý nghĩa kinh tế còn có ý nghĩa phục vụ nghiên cứu khoa học, bảo vệ môi trường sinh thái và phát triển du lịch, nhất là Sơn Trà, Hải Vân và Bà Nà.
3. Tài nguyên khoáng sản: Hiện nay mới chỉ phát hiện một ít tài nguyên khoáng sản là khối đá hoa cương ở Non Nước, đá ốp lát, đá vôi ở phía Tây huyện Hoà Vang, mỏ cát trắng ở Nam Ô… Đặc biệt vùng thềm lục địa có nhiều triển vọng về dầu khí.
4. Nguồn nước: Nguồn nước cung cấp cho thành phố chủ yếu là từ các sông Cu Đê, Cẩm Lệ, Vĩnh Điện. Nước ngầm của vùng khá đa dạng, các khu vực có triển vọng khai thác là nguồn nước ngầm tệp đá vôi Hoà Hải – Hoà Quý ở chiều sâu tầng chứa nước 50 – 60 m; khu Khánh Hoà có nguồn nước ở độ sâu 30 - 90 m; các khu khác đang được thăm dò.
5.Tài nguyên biển và ven biển: Đà Nẵng có bờ biển dài khoảng 70 km, có vịnh nước sâu với các cửa ra biển như Liên Chiểu, Tiên Sa, có vùng lãnh hải thềm lục địa với độ sâu 200 m, tạo thành vành đai nước nông rộng lớn thích hợp cho phát triển kinh tế tổng hợp biển và giao lưu với nước ngoài.
    Bờ biển có nhiều bãi tắm đẹp như Non Nước, Mỹ Khê, Thanh Khê, Nam Ô với nhiều cảnh quan thiên nhiên kỳ thú và giá trị được nâng lên nhiều lần bởi các bãi tắm và các cảnh quan này không xa nội thành Đà Nẵng, có ý nghĩa lớn cho phát triển du lịch và nghỉ dưỡng.
    Khả năng phát triển kinh tế thuỷ, hải sản và nuôi trồng thuỷ sản lớn. Vùng biển Đà Nẵng có trữ lượng hải sản lớn, khả năng khai thác hàng năm khoảng 60 - 70 nghìn tấn. Sản lượng khai thác trung bình hàng năm đạt khoảng 25 nghìn tấn, chủ yếu là cá nổi ven bờ.
    Thành phố còn có hơn 546 ha mặt nước có khả năng nuôi trồng thuỷ sản, tạo điều kiện tốt để xây dựng vùng nuôi thuỷ sản với các hình thức như nuôi bè ở Thọ Quang, nuôi tôm ở Nại Hiên Đông, Hoà Cường, vùng biển Cổ Cò, Hoà Hiệp quanh chân đèo Hải Vân… Các loại hải sản chính đang nuôi là cá mú, cá hồi, cá cam, tôm sú và tôm hùm.
II. Tiềm năng kinh tế
1. Tiềm năng du lịch: Đà Nẵng là một trong ba vùng du lịch trọng điểm của cả nước, là nơi có tiềm năng du lịch phong phú, bao gồm các tài nguyên du lịch tự nhiên và nhân văn. Có nhiều danh lam thắng cảnh như đèo Hải Vân, bán đảo Sơn Trà, Bà Nà, núi Chúa, Ngũ Hành Sơn, các bãi tắm Mỹ Khê, Non Nước, bảo tàng chàm với di tích Chàm gắn kết với phố cổ Hội An, thánh địa Mỹ Sơn, cố đô Huế và các tỉnh duyên hải miền Trung. Những tài nguyên này là điều kiện cho phép Đà Nẵng phát triển nhiều loại hình du lịch như nghỉ mát, tắm biển, tham quan, du lịch nghiên cứu, du lịch văn hoá…
2. Những lợi thế so sánh: Đà Nẵng có vị trí địa lý ở vào trung độ trên tuyến Bắc – Nam của cả nước, là thành phố trực thuộc Trung ương ở miền Trung, đầu mối giao thông quan trọng về đường sắt, đường bộ, đường biển, đường hàng không, cửa ngõ ra biển của Tây Nguyên, Nam Lào và Đông Bắc Thái Lan; lợi thế về giao lưu rất quan trọng là điều kiện phát triển thương mại, tài chính có ý nghĩa vùng.
    Hệ thống cảng biển, sân bay, đường sắt, đường bộ; mạng lưới điện, bưu điện và viễn thông quốc tế đã được phát triển. Khu công nghiệp Liên Chiểu, Hoà Khánh, Đà Nẵng đã được Thủ tướng phê duyệt là cơ sở thu hút đầu tư của nước ngoài.
    Thành phố Đà Nẵng có nhiều danh lam thắng cảnh để phát triển du lịch: bán đảo Sơn Trà, đèo Hải Vân, Ngũ Hành Sơn, vùng núi Bà Nà – Núi Chúa; nhiều bãi tắm đẹp, nhiều di tích lịch sử dân tộc Việt và Chăm Pa. Đà Nẵng nằm trong vùng ảnh hưởng của 3 di sản văn hoá thế giới (Huế - Hội An - Mỹ Sơn), đặc biệt tiềm năng phát triển du lịch biển là một ưu thế mới và quan trọng trong chiến lược phát triển du lịch của Đà Nẵng.
    Bên cạnh đó, thành phố còn có một số trường đại học, phân viện nghiên cứu với đội ngũ cán bộ khoa học khá, trình độ dân trí cao, có điều kiện trở thành trung tâm đào tạo khoa học kỹ thuật cho vùng và cả nước.
    Nhân dân Đà Nẵng giàu truyền thống cách mạng, cần cù sáng tạo; người dân Đà Nẵng ở các trung tâm lớn của cả nước và ở nước ngoài tương đối nhiều.

GIỚI THIỆU KHÁI QUÁT VỀ TỈNH GIA LAI (19)
I. Điều kiện tự nhiên
1. Vị trí địa lý: Gia Lai là một tỉnh miền núi nằm ở khu vực phía Bắc cao nguyên Trung Bộ; phía Bắc giáp tỉnh Kon Tum, phía Nam giáp tỉnh Đắk Lắk, phía Đông giáp tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định và Phú Yên, phía Tây giáp tỉnh Ratanakiri (Campuchia) với đường biên giới chạy dài khoảng 90 km.
    Gia Lai có vị trí quan trọng về kinh tế, chính trị và an ninh quốc phòng. Sân bay Pleiku cùng Quốc lộ 14, 25, 19 và đường Hồ Chí Minh nối kết Gia Lai với các tỉnh duyên hải miền Trung, Đông Nam Bộ, Thành phố Hồ Chí Minh và nhiều địa phương khác trong cả nước. Gia Lai có tổng diện tích tự nhiên là 15.485 km2, độ cao trung bình so với mặt biển từ 800 – 900 m. Đỉnh núi cao nhất là núi Konkơkinh (1.748 m). Gia Lai có 15 đơn vị hành chính: thành phố Pleiku; thị xã An Khê và các huyện: Đăk Pơ, Đăk Đoa, A Yun Pa, Chư Păh, Chư Prông, Chư Sê, Đức Cơ, La Grai, Kbang, Krông Pa, Kong Chro, Mang Yang, Ia Pa.
2. Đặc điểm địa hình: Địa hình thấp dần từ Bắc xuống Nam và nghiêng từ Đông sang Tây, chia thành 3 dạng chính: địa hình đồi núi, chiếm 2/5 diện tích tự nhiên toàn tỉnh, đặc biệt là dãy núi Mang Yang kéo dài từ đỉnh KonKơkinh đến huyện Kông Pa, chia thành 2 vùng khí hậu rơ rệt là Đông Trường Sơn và Tây Trường Sơn; địa hình cao nguyên; là cao nguyên đất đỏ bazan – Plâycu và cao nguyên Kon Hà Nùng, chiếm 1/3 diện tích tự nhiên; địa hình thung lũng, được phân bố dọc theo các sông, suối, khá bằng phẳng, ít bị chia cắt.
3. Khí hậu: Gia Lai thuộc vùng khí hậu cao nguyên nhiệt đới gió mùa, dồi dào về độ ẩm, có lượng mưa lớn, không có bão và sương muối.
    Khí hậu chia làm 2 mùa rõ rệt, mùa mưa bắt đầu từ tháng 5 và kết thúc vào tháng 10; mùa khô từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau. Vùng Tây Trường Sơn có lượng mưa trung bình năm từ 2.200 – 2.500 mm, vùng Đông Trường Sơn từ 1.200 – 1.750 mm. Nhiệt độ trung bình năm là 22 – 250C. Khí hậu và thổ nhưỡng Gia Lai rất thích hợp cho việc phát triển nhiều loại cây công nghiệp ngắn và dài ngày, chăn nuôi và kinh doanh tổng hợp nông lâm nghiệp đem lại hiệu quả kinh tế cao.
II. Tài nguyên thiên nhiên
1. Tài nguyên đất: Toàn tỉnh có 27 loại đất, được hình thành trên nhiều loại đá mẹ thuộc 7
nhóm chính: đất feralit (đất đỏ vàng) chiếm 53% diện tích đất tự nhiên của tỉnh; đất đỏ vàng trên đá granit và riolit phân bố tập trung ở gần rìa của khối đất đỏ bazan; đất xám trên đá granit và phù sa cổ chiếm 25,2%, phân bố tập trung theo 2 hệ thống sông lớn, còn lại các nhóm khác phân bố rải rác ở nhiều nơi.
    Thực chất, tài nguyên đất ở Gia Lai đã được khai thác và sử dụng từ lâu, trước kia là khai thác tự nhiên phục vụ cho nhu cầu sinh sống của đồng bào dân tộc, ngày nay nguồn tài nguyên này đặc biệt được chú trọng khai thác và đưa vào sản xuất nông – lâm nghiệp với quy mô lớn, hình thành những vùng chuyên canh. Trên cơ sở các điều kiện sinh thái tự nhiên của tỉnh, có thể chia thành 3 vùng: đất đỏ bazan cao nguyên Plâycu, diện tích tập trung lớn, địa hình bằng phẳng, giao thông thuận lợi; dân cư và cơ sở hạ tầng tập trung; vùng thung lũng sông suối ở phía Nam, Đông, Đông Nam và Tây Nam là vùng đất phù sa, đất xám. Các vùng đồi núi phía Bắc, Đông và Đông Nam có địa hình chia cắt.
2. Tài nguyên khoáng sản: Tài nguyên khoáng sản là một tiềm năng kinh tế quan trọng của tỉnh Gia Lai. Theo điều tra của Liên đoàn địa chất 6, tỉnh Gia Lai có nhiều khoáng sản, nổi bật nhất là vàng, nguồn vật liệu xây dựng, bôxit và đá quý.
    Bôxít đã phát hiện được một mỏ và 4 điểm nằm ở vùng Kon Hà Nùng, các mỏ này đều nằm trong vỏ phong hoá bazan, trữ lượng bôxit trên địa bàn rất lớn, khoảng 650 triệu tấn. Ngoài ra, còn có sắt, thiếc, chì…nhưng quy mô nhỏ. Trên địa bàn tỉnh đã phát hiện 73 điểm có vàng, trong đó có 66 điểm quặng hoá gốc và 6 điểm sa khoáng, các vùng có triển vọng là Kông Chro, Kbang, Ayun Pa, Krông Pa La, La Grai. Hàm lượng vàng trung bình 18,11 gam/tấn đá, ngoài ra còn có hàm lượng bạc trung bình khoảng 10,67 gam/tấn (theo tài liệu sơ bộ  của tỉnh là 1,25 gam/m2).
    Bên cạnh đó, tỉnh còn có khoáng sản phục vụ công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng như đá vôi (đã phát hiện được 6 điểm nhưng có triển vọng nhất là mỏ đá vôi Chư Sê). Khoáng sản làm vật liệu xây dựng khác như đá bazan xây dựng ở đèo Chư Sê, Plâycu, Chư Păh. Đá granit có trữ lượng 90,1 triệu m3, chủ yếu ở Chư Sê (53,4 triệu m3 ở bắc Biển Hồ, An Khê, La Khươi,..). Sét gạch ngói phân bố rộng khắp toàn tỉnh nhưng tập trung lớn ở Ayun Pa, An Khê…Cát xây dựng phân bố dọc sông suối, đặc biệt dọc sông Ba và có 40 loại nhỏ, chất lượng khá, đáp ứng nhu cầu xây dựng. Ngoài ra còn có các mỏ than bùn ở Biển Hồ, Chư Păh đủ đáp ứng yêu cầu sản xuất phân vi sinh.
3. Tài nguyên rừng: Rừng ở Gia Lai rất phong phú về các loài, kiểu, dạng khác nhau về tính chất, hình thái và ý nghĩa kinh tế. Gia Lai có gần 1 triệu ha đất lâm nghiệp, diện tích có rừng là 749.769 ha, trữ lượng gỗ 75,6 triệu m3. So với cả vùng Tây Nguyên, Gia Lai chiếm 28% diện tích lâm nghiệp, 30% diện tích có rừng và 38% trữ lượng gỗ. Ngoài ra, rừng Gia Lai còn có khoảng gần 100 triệu cây tre nứa và các loại lâm sản có giá trị khác như song mây, bời lời, sa nhân…và các loại chim thú quý hiếm. Sản lượng gỗ khai thác hàng năm từ 65.000 – 85.000 m3 sẽ đáp ứng nhu cầu về nguyên liệu cho chế biến gỗ, bột giấy với quy mô lớn và chất lượng cao
    Trong gần 25.000 ha rừng trồng có hơn 5.000 ha bạch đàn đã đến chu kỳ khai thác, đồng thời đã quy hoạch trên 20.000 ha đất dùng để trồng nguyên liệu giấy phục vụ cho sản xuất giấy và bột giấy. Ngoài ra, tỉnh còn có hơn 280.000 ha đất trống, đồi núi trọc có khả năng trồng rừng lấy gỗ, rừng phòng hộ bảo vệ môi trường, tôn tạo cảnh quan du lịch, trồng các loại cây công nghiệp dài và ngắn ngày với quy mô lớn.
III. Tiềm năng kinh tế
1. Tiềm năng du lịch: Gia Lai có tiềm năng du lịch rất phong phú với rừng núi cao có nhiều cảnh quan tự nhiên cũng như nhân tạo. Đó là những khu rừng nguyên sinh với hệ thống động thực vật phong phú, nhiều ghềnh thác, suối, hồ như Biển Hồ là một thắng cảnh nổi tiếng. Nhiều núi đồi như cổng trời Mang Yang, đỉnh Hàm Rồng. Cảnh quan nhân tạo có các rừng cao su, đồi chè, cà phê bạt ngàn. Kết hợp với tuyến đường rừng, có các tuyến dã ngoại bằng thuyền trên sông, cưỡi voi xuyên rừng,v.v…
    Bên cạnh sự hấp dẫn của thiên nhiên hùng vĩ, Gia Lai còn có nền văn hoá lâu đời của đồng bào dân tộc, chủ yếu là dân tộc Giarai và Bana thể hiện qua kiến trúc nhà rông, nhà sàn, nhà mồ, qua lễ hội truyền thống, qua y phục và nhạc cụ..
2. Những lĩnh vực kinh tế lợi thế: Do có nhiều sông suối nên tiềm năng về thuỷ năng của Gia Lai rất lớn với trữ năng lý thuyết  khoảng 10,5 – 11 tỷ kW, trữ năng kinh tế kỹ thuật là 7,1 tỷ kW với công suất lắp máy 1.502 MWh. Ngoài 4 công trình thuỷ điện lớn có công suất lắp máy 1.422 MW, còn có 85 công trình thuỷ điện nhỏ với công suất 80.200 kW phân bổ khá đều khắp, tạo điều kiện cho phát triển sản xuất. Bên cạnh đó, công trình thuỷ điện Yaly với công suất 720 MW và sản lượng điện 3,68 tỷ kWh đã hoàn thành vào tháng 4/2002 có tác động lớn đến phát triển các ngành kinh tế của tỉnh, đảm bảo nhu cầu năng lượng cho toàn vùng. Hiện nay công trình thuỷ điện Sê San 3 đang được thi công với công suất thiết kế 273 MW. Tổng trữ lượng nguồn nước mặt khoảng 24 tỷ m3. Đây chính là những tiềm năng lớn để công nghiệp điện năng được coi là công nghiệp mũi nhọn ở Gia Lai.

GIỚI THIỆU KHÁI QUÁT VỀ TỈNH HOÀ BÌNH  (20)
I. Điều kiện địa lý tự nhiên: Hoà Bình là tỉnh miền núi, tiếp giáp với vùng đồng bằng sông Hồng, có nhiều tuyến đ­ường bộ, đường thuỷ nối liền với các tỉnh Phú Thọ, Hà Tây, Hà Nam, Ninh Bình, là cửa ngõ của vùng núi Tây Bắc, cách thủ đô Hà nội 76 km về phía Tây Nam. Phía Bắc Hoà Bình giáp Phú Thọ và Hà Tây, phía Nam giáp Ninh Bình và Thanh Hoá, phía Đông giáp Hà Tây và Hà Nam, phía Tây giáp Sơn La.
      Tỉnh có 10 huyện, thị xã: Đà Bắc, Mai Châu, Tân lạc, Lạc Sơn, Kim Bôi, Lư­ơng Sơn, Lạc Thuỷ, Yên Thuỷ, Kỳ Sơn và thị xã Hoà Bình với 214 xã, phường, thị trấn.
      Hoà Bình có địa hình núi cao, chia cắt phức tạp, độ dốc lớn và theo hướng Tây Bắc - Đông Nam, phân chia thành 2 vùng: vùng núi cao nằm về phía Tây Bắc có độ cao trung bình từ 600 – 700 m, địa hình hiểm trở, diện tích 212.740 ha, chiếm 44,8% diện tích toàn vùng; vùng núi thấp nằm ở phía Đông Nam, diện tích 262.202 ha, chiếm 55,2% diện tích toàn tỉnh, địa hình gồm các dải núi thấp, ít bị chia cắt, độ dốc trung bình từ 20 – 250, độ cao trung bình từ 100 – 200 m.
    Hoà Bình có khí hậu nhiệt đới gió mùa, mùa đông lạnh, ít mưa; mùa hè nóng, mưa nhiều. Nhiệt độ trung bình hàng năm trên 230C. Tháng 7 có nhiệt độ cao nhất trong năm, trung bình 27 – 290C, tháng 1 có nhiệt độ thấp nhất, trung bình 15,5 – 16,50C.
    Bên cạnh đó, hệ thống sông ngòi trên địa bàn tỉnh được phân bố tương đối đồng đều với các sông lớn là sông Đà, sông Bôi, sông Bưởi, sông Lạng, sông Bùi.
II. Tài nguyên thiên nhiên:
    Tổng diện tích đất tự nhiên toàn tỉnh là 4.662 km2, đất có rừng trên 173 ngàn ha, chiếm 37% diện tích, đất nông nghiệp trên 65 ngàn ha, chiếm 14% diện tích. Đất ch­ưa sử dụng trên 170 ngàn ha. Với những tiềm năng đó, trong t­ương lai, Hoà Bình có thể phát triển mạnh mẽ nền sản xuất nông, lâm nghiệp và công nghiệp chế biến nông lâm sản. Hoà Bình có các loại khoáng sản phong phú với trữ lư­ợng lớn và vừa, có thể khai thác để phát triển công nghiệp và xây dựng như­ đá granit, đá vôi, than đá, sét, cao lanh, vàng, sắt, nước khoáng...
2. Tài nguyên rừng: Năm 2003, độ che phủ rừng của tỉnh đạt 41%, tương đương 194.308 ha, trong đó: rừng tự nhiên 146.477 ha, rừng trồng 47.831 ha. Sản lượng gỗ cây đứng là 3,3 triệu m3, bao gồm rừng tự nhiên 2,1 triệu m3, rừng trồng 1,2 triệu m3. Có 129 triệu cây tre nứa.
3. Tài nguyên khoáng sản: Hoà Bình có nhiều loại khoáng sản, trong đó một số loại đã được khai thác như: amiăng, than, nước khoáng, đá vôi…Đáng lưu ý nhất là đá, nước khoáng, đất sét có trữ lượng lớn. Đá gabrodiaba trữ lượng 2,2 triệu m3; đá granít trữ lượng 8,1 triệu m3; đặc biệt đá vôi có trữ lượng rất lớn trên 700 triệu tấn, đang được sản xuất phục vụ xây dựng các công trình giao thông, thuỷ lợi, xây dựng cơ bản… Ngoài ra, than đá có 6 mỏ nhỏ và 2 điểm khai thác than ở các huyện Kim Bôi, Lạc Thuỷ, Yên Thuỷ, Lạc Sơn, Đà Bắc, Kỳ Sơn, tổng trữ lượng cấp C1 là 982.000 tấn. Đôllômit, barit, cao lanh cũng có trữ lượng lớn, trong đó có một số mỏ còn chưa được xác định rõ về trữ lượng. Sét phân bố ở vùng thấp, có rải rác trong tỉnh, trữ lượng ước tính 8 – 10 triệu m3.
    Tài nguyên quý của tỉnh Hoà Bình là nước khoáng, chủ yếu phân bố ở 2 huyện Kim Bôi, Lạc Sơn. Ngoài ra, kho tài nguyên khoáng sản của tỉnh còn rất nhiều mỏ đa kim như: vàng, đồng, chì, kẽm, thuỷ ngân, antimon, pyrit, phốtphorit…
III. Tiềm năng kinh tế
1. Những lĩnh vực kinh tế lợi thế: Do đặc điểm địa lý tiếp giáp với đồng bằng sông Hồng và thủ đô Hà Nội, có điều kiện tự nhiên, đất đai, tài nguyên khoáng sản, đặc điểm văn hoá đa dạng và phong phú đã tạo điều kiện cho tỉnh Hoà Bình phát triển mạnh một số lĩnh vực kinh tế lợi thế.
    Công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng: với trữ lượng sét và đá vôi lớn, hiện nay sản xuất vật liệu xây dựng là một trong những ngành công nghiệp mũi nhọn của tỉnh, cung cấp vật liệu xây dựng cho vùng và các tỉnh lân cận. Ngoài ra, tỉnh còn có 3 nhà máy sản xuất xi măng công suất mỗi nhà máy 8,8 vạn tấn/năm tại các huyện Lương Sơn, Yên Thuỷ và thị xã Hoà Bình; ngoài ra còn 2 nhà máy đang hoàn chỉnh thủ tục để đầu tư xây dựng với công suất 1,2 triệu tấn và 8,8 vạn tấn/năm ở Lương Sơn và các cơ sở sản xuất đá, vôi, gạch ở hầu hết các huyện, thị.
    Công nghiệp chế biến nông – lâm sản: Hoà Bình có đất đai phù hợp với nhiều loại cây công nghiệp (mía, sắn, chè, măng…), cây ăn quả (cam, quýt, dứa, vải, nhãn…), từ đó có thể phát triển công nghiệp chế biến nông sản như: đường, tinh bột, chè khô, hoa quả đóng hộp. Bên cạnh đó, diện tích đất lâm nghiệp chiếm khoảng 55%, diện tích rừng đã phủ xanh 41% với nhiều vạt rừng kinh tế được phép trồng và khai thác phục vụ công nghiệp chế biến lâm sản.
    Công nghiệp cơ khí, điện tử, may mặc, giày da: dựa trên địa thế tiếp giáp với các trung tâm công nghiệp lớn là Hà Nội, Hà Tây và tiềm năng lao động dồi dào, cộng thêm số lao động ở nông thôn chiếm 84%, trong khi thời gian sử dụng chỉ đạt 74%, do đó Hoà Bình có thể phát triển công nghiệp cơ khí điện tử, may mặc, giày da. Hiện nay, trên địa bàn đã có một số cơ sở sản xuất như: Công ty May sông Đà, Công ty May 3/2, Công ty Ban Đai (sản xuất linh kiện điện tử), Công ty R Việt Nam (sản xuất thấu kính), Công ty Điện tử SANKOR (đang đầu tư xây dựng).
 2. Tiềm năng du lịch: Hoà Bình có cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, văn hoá lịch sử phong phú có thể phát triển du lịch dưới nhiều hình thức. Cụ thể, 6 dân tộc anh em: Mường, Kinh, Thái, Tày, Dao, Mông với những nét văn hoá, phong tục tập quán đa dạng, phong phú tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển du lịch văn hoá và hiện nay nổi tiếng là khu du lịch Bản Lác – Mai Châu. Bên cạnh đó, du lịch cảnh quan, sinh thái ở Hoà Bình cũng có rất nhiều tiềm năng để phát triển với hồ sông Đà hùng vĩ, rừng nguyên sinh Thượng Tiến (Kim Bôi), rừng Hang Kia – Pà Cò (Mai Châu), rừng Phu Canh (Đà Bắc), Suối Ngọc – Vua Bà (Lương Sơn)… Ngoài ra, tỉnh Hoà Bình còn nổi tiếng với suối nước nóng Kim Bôi, Lạc Sơn, có núi cao, hồ lớn, khí hậu điều hoà tạo điều kiện cho du lịch nghỉ dưỡng phát triển. Trên địa bàn tỉnh có nhiều đền chùa nổi tiếng như chùa Tiên (Lạc Thuỷ), đền Bờ (trên hồ sông Đà)… là nơi thuận lợi cho phát triển du lịch.
    Với vị trí cửa ngõ vùng Tây Bắc, tiếp giáp với đồng bằng sông Hồng, Hoà Bình còn có thể phát triển nhiều loại hình du lịch như tổ chức hội thảo, hội nghị, nghỉ cuối tuần… là nơi kết nối các tua, tuyến du lịch với các tỉnh lân cận và miền Bắc.

GIỚI THIỆU KHÁI QUÁT VỀ TỈNH HÀ GIANG (21)
I. Điều kiện địa lý tự nhiên
1. Vị trí địa lý: Hà Giang là tỉnh miền núi cao nằm ở cực bắc tổ quốc, phía Bắc giáp các tỉnh Vân Nam và Quảng Tây – Trung Quốc, phía Nam giáp tỉnh Tuyên Quang, phía Đông giáp tỉnh Cao Bằng, phía Tây giáp tỉnh Yên Bái và Lào Cai. Diện tích tự nhiên là 7.884,37 km².
    Ngày 01/12/2003, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 146/2003/NĐ - CP về việc thành lập huyện Quang Bình, Tỉnh Hà Giang. Như vậy,  về tổ chức hành chính, hiện nay tỉnh Hà Giang có 1 thị xã tỉnh lỵ (Hà Giang) và 10 huyện với 193 xã, phường, thị trấn.
2. Đặc điểm địa hình: Hà Giang với dải núi cao Tây Côn Lĩnh và cao nguyên Đồng Văn đã tạo nên địa hình cao dần về phía Tây Bắc, thấp dần về phía Đông Nam. Địa hình chia cắt thành các tiểu vùng mang đặc điểm khác nhau về độ cao, thời tiết khí hậu. Có thể chia thành 3 vùng lớn:
    Vùng I là vùng cao núi đá gồm các huyện: Mèo Vạc, Đồng Văn, Yên Minh, Quản Bạ và một số xã phía bắc huyện Vị Xuyên. Độ cao trung bình từ 1.000 – 1.600 m, gồm nhiều khu vực núi đá vôi nằm sát với chí tuyến bắc có độ dốc khá lớn, thung lũng và sông suối bị chia cắt nhiều. Vùng này có vùng trũng Yên Minh, chủ yếu là đồi núi thấp có độ cao trung bình 500 – 700 m.
    Vùng II là vùng cao núi đất phía tây thuộc khối núi thượng nguồn sông Chảy, gồm các huyện: Xín Mần, Hoàng Su Phì, và một số xã của huyện Vị Xuyên và Bắc Quang, thuộc dãy Tây Côn Lĩnh. Độ cao trung bình của vùng từ 900 - 1.000 m, sườn núi dốc, đèo cao, thung lũng và sông suối hẹp.
    Vùng III là vùng núi thấp, vùng đồi núi, thung lũng sông Lô gồm thị xã Hà Giang, huyện Bắc Mê và một số xã của huyện Vị Xuyên và Bắc Quang. Độ cao trung bình từ 50 – 100 m. Địa hình ở đây là đồi núi thấp, thung lũng sông Lô càng xuống phía nam càng được mở rộng.
3. Khí hậu: Hà Giang mang đặc điểm khí hậu nhiệt đới gió mùa, chịu ảnh hưởng của khí hậu lục đại Bắc á Trung Hoa, có 2 mùa rõ rệt, mùa hè nóng ẩm, mưa nhiều và mùa đông lạnh, khô hạn. Tuy nhiên do địa hình chia cắt thành 3 vùng nên khí hậu Hà Giang cũng hình thành 3 tiểu vùng khí hậu. Vùng cao núi đá và vùng cao núi đất mang nhiều sắc thái của khí hậu ôn đới.
II. Tài nguyên thiên nhiên
1. Tài nguyên đất: Trong 778.473 ha diện tích đất tự nhiên, đất nông nghiệp có 134.184 ha, chiếm 17% diện tích tự nhiên, đất lâm nghiệp có 334.100 ha, chiếm 42,4%, đất chưa sử dụng có 310.064 ha, chiếm 39,3%, còn lại là đất chuyên dùng và đất ở. Theo kết quả điều tra thổ nhưỡng, toàn tỉnh có 9 nhóm đất chính, trong đó chủ yếu là nhóm đất xám rất thích hợp để trồng các loại cây công nghiệp, cây dược liệu và cây ăn quả.
2. Tài nguyên rừng: Hà Giang có diện tích rừng tương đối lớn, trong đó diện tích rừng tự nhiên là 262.957 ha, với nhiều sản vật quý hiếm: động vật có các loài gấu ngựa, sơn dương, voọc bạc má, gà lôi, đại bàng…; các loại gỗ: ngọc am, pơ mu, lát hoa, lát chun, đinh, nghiến, trò chỉ, thông đá…; các cây dược liệu như sa nhân, thảo quả, quế, huyền sâm, đỗ trọng… Rừng Hà Giang không những giữ vai trò bảo vệ môi trường sinh thái đầu nguồn cho vùng đồng bằng Bắc Bộ mà còn cung cấp những nguyên vật liệu phục vụ cho sản xuất công nghiệp, xây dựng, y tế và sẽ là những điểm du lịch sinh thái lý tưởng của tỉnh.
    Hà Giang còn nhiều khu rừng nguyên sinh chưa được khai thác, môi trường sinh thái trong lành và chứa đựng nhiều tiềm ẩn kỳ thú. Các rừng đá trập trùng, nhấp nhô ẩn hiện trong mây bạc, nhiều đỉnh núi cao trên 2.000 m như Pu Ta Kha, Tây Côn Lĩnh; nhiều hang động đầy bí ẩn như Tùng Bá, Lùng Má, (huyện Vị Xuyên), Tùng Vài (Quản Bạ), Hang Mây, Sảng Tủng (Đồng Văn); các danh thắng như núi Cô Tiên, Cổng Trời (Quản Bạ).
3. Tài nguyên khoáng sản: Qua khảo sát, thăm dò, bước đầu tỉnh Hà Giang đã phát hiện được 28 loại khoáng sản khác nhau. Đáng chú ý là có những mỏ có trữ lượng lớn trên một triệu tấn với hàm lượng khoáng chất cao như: ăngtimon ở các mỏ: Mậu Duệ, Bó Mới (Yên minh); sắt ở Tùng Bá, Bắc Mê; ch́ - kẽm ở Na Sơn, Tả Pan, Bằng Lang, Cao Mã Pờ. Ngoài ra, còn có nhiều khoáng sản khác như: pirít, thiếc, chì, đồng, mănggan, vàng sa khoáng, đá quý, cao lanh, nước khoáng, đất làm gạch, than non, than bùn…Hiện nay một số mỏ đang được khai thác có hiệu quả.
III. Tiềm năng kinh tế
1. Những lĩnh vực kinh tế lợi thế
    Hà Giang là tỉnh có tài nguyên đa dạng nhưng chưa được khai thác có hiệu quả. Hà Giang có điều kiện phát triển công nghiệp khai khoáng, đặc biệt là ăngtimon và cao lanh, phát triển công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng, công nghiệp chế biến nông, lâm sản.
    Hà Giang có điều kiện khí hậu tốt và nhiều cảnh đẹp, suối nước nóng,… để phát triển du lịch quá cảnh. Đây là ngành then chốt trong phát triển kinh tế của tỉnh nhưng trong những năm vừa qua chưa thực sự giữ vị trí quan trọng.
 2. Tiềm năng du lịch: Hà Giang được thiên nhiên ưu đãi với nền văn hoá lâu đời thuộc niên đại đồ đồng Đông Sơn, có các di tích người tiền sử ở Bắc Mê, Mèo Vạc. Đây cũng là tỉnh có nhiều đồng bào dân tộc thuộc vùng Đông Bắc sinh sống, với 22 dân tộc  có nhiều phong tục tập quán, văn hoá truyền thống và những lễ hội rất sinh động đã làm Hà Giang trở thành nơi hấp dẫn du khách đến tham quan. Bên cạnh đó, Hà Giang có cảnh quan môi trường độc đáo của một tỉnh miền núi với những dãy núi cao đá tai mèo ở phía bắc và những cánh rừng bạt ngàn ở phía nam. Mạng lưới sông suối luồn lách qua những đồi núi thấp hình thành những hồ lớn vào mùa mưa tạo ra những điểm du lịch hấp dẫn như hồ Noong. Do có nhiều núi đá vôi nên trong tỉnh có nhiều suối nước nóng là những địa điểm du lịch lý tưởng. Hà Giang có nhiều di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh ít nơi có được như Suối Tiên, cổng Trời, thác nước Quảng Ngần,
khu Nậm Má, khu chum vàng,  chum bạc và di tích nhà họ Vương…
    Một thế mạnh khác của Hà Giang là việc khai thác du lịch quá cảnh sang tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), quan hệ du lịch và thương mại hai chiều nếu được mở ra sẽ góp phần đáng kể và sự tăng trưởng kinh tế của tỉnh.

GIỚI THIỆU KHÁI QUÁT VỀ TỈNH HÀ NAM (22)
I. Điều kiện tự nhiên
1. Vị trí địa lý: Hà Nam nằm ở Tây Nam châu thổ sông Hồng, trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, là cửa ngõ của thủ đô Hà Nội với diện tích đất tự nhiên 84.952 ha; có thị xã Phủ Lý là trung tâm kinh tế - chính trị - văn hoá của tỉnh, cách Hà Nội 58 km, tương lai không xa sẽ trở thành phố vệ tinh của Hà Nội. Hà Nam có mạng lưới giao thông rất thuận lợi, là tỉnh nằm trên trục đường sắt Bắc Nam và quốc lộ 1A – huyết mạch giao thông quan trọng của cả nước, tạo điều kiện thuận lợi để giao lưu hợp tác kinh tế với các tỉnh, thành phố và các trung tâm kinh tế lớn của cả nước cũng như từ đó tới các cảng biển, sân bay ra nước ngoài.
2. Đặc điểm địa hình: Hà Nam có địa hình đa dạng vừa có đồng bằng, có vùng bán sơn địa, vừa có vùng trũng. Vùng đồi núi phía Tây có nhiều tài nguyên khoáng sản, đặc biệt là đá vôi, để phát triển công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng, nhất là xi măng; cũng là vùng có nhiều tiềm năng phát triển du lịch. Vùng đồng bằng có diện tích đất đai màu mỡ, bãi bồi ven sông Hồng, sông Châu, là tiền đề để phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hoá, công nghiệp chế biến nông sản thực phẩm và du lịch sinh thái. Địa hình đó là điều kiện để phát triển kinh tế đa dạng, với hướng kết hợp kinh tế vùng đồng bằng với kinh tế vùng đồi núi.
3. Khí hậu: Hà Nam cũng như các tỉnh đồng bằng sông Hồng có khí hậu mang đặc điểm của khí hậu nhiệt đới, gió mùa, mùa đông lạnh hơn nhiều với điều kiện trung bình cùng vĩ tuyến. Nhiệt độ trung bình khoảng 230C, nhiệt độ trung bình tháng thấp nhất là tháng 1 khoảng 15,10C và cao nhất là tháng 6 khoảng 290C. Tổng giờ nắng trung bình khoảng 1.100 – 1.200 giờ. Lượng mưa trung bình năm 1.700 – 2.200 mm, song lượng mưa không đều tập trung 70% lượng mưa cả năm vào mùa hạ (từ tháng 5 đến tháng 10); mùa khô kéo dài từ tháng 11 năm trước đến tháng 4 năm sau, ít mưa khô lạnh.
II. Tài nguyên thiên nhiên
1. Tài nguyên đất: Hà Nam có tổng diện tích đất tự nhiên là 84.952 ha, trong đó đất nông nghiệp chiếm 47.206 ha, diện tích nuôi trồng thuỷ sản 4.529 ha; đất lâm nghiệp 9.635 ha; đất chuyên dùng 11.692 ha, đất ở 4.326 ha; đất chưa sử dụng 7.564 ha.
2. Tài nguyên khoáng sản: Tài nguyên khoáng sản trên địa bàn Hà Nam chủ yếu là đá carbonate (có trữ lượng trên 7,4 tỷ m³). Nguồn đá này cung cấp cho sản xuất xi măng, xây dựng, bột mịn cho xây trát, bột nhẹ thương phẩm. Đá quý (đá vân hồng tím nhạt ở huyện Thanh Liêm, Kim Bảng, có vỉa cao 60 m, dài 30 –  40 m, song cũng có vỉa dài tới gần 200 m. Đá vân mây da báo ở Thanh Liêm. Đá đen tập trung ở Bút Sơn. Đất sét với tổng trữ lượng 393,1 triệu tấn (trong đó, đất sét làm nguyên liệu sản xuất xi măng 331 triệu tấn; đất sét làm gạch ngói 62 triệu tấn). Than bùn có trữ lượng trên 11 triệu m³ tại vùng Hồ Tam Chúc – Ba Sao, hồ Đồng Hán, Xã Thanh Sơn, huyện Kim Bảng (nguyên liệu này có thể làm phân vi sinh và một số chất phụ gia khác). Cát xây dựng ở Hà Nam rất dồi dào, đặc biệt là nguồn cát đen ở bãi ven sông Hồng dài 10 km, bãi sông Đáy, sông Châu, sông Nhuệ hàng năm cung cấp cho san lấp và xây dựng, có khả năng cung cấp cho tỉnh ngoài hàng triệu m³.
III. Tiềm năng kinh tế
1. Những lĩnh vực kinh tế lợi thế: Công nghiệp chủ đạo của tỉnh là xi măng, vật liệu xây dựng. Công nghiệp dệt may và tiểu thủ công nghiệp với làng nghề dệt lụa Nha Xá, xã Mộc Nam, huyện Duy Tiên chuyên dệt lụa tơ tằm, đũi, quy mô hiện tại có 500 khung dệt, công suất đạt từ 850.000 – 1.000.000 mét lụa/năm; làng nghề dệt vải xã Hoà Hậu, huyện Lý Nhân chuyên sản xuất vải, khăn tắm, khăn ăn các loại; làng nghề thêu ren thủ công xã Thanh Hà, huyện Thanh Liêm với các sản phẩm thêu chăn, ga, gối, đệm, khăn ăn, khăn trang trí,… chủ yếu xuất sang châu Âu và Bắc Á (doanh thu mỗi năm làng nghề đạt 25 -30 tỷ đồng). Mây tre giang đan ở Hoàng Đông, Duy Tiên với các sản phẩm chủ yếu là hàng mây, giang, đan thủ công, thị trường tiêu thụ là ở châu Âu, châu Mỹ và một phần Bắc Á. Nghề sừng thủ công mỹ nghệ ở xã An Lão – Bình Lục, dùng nguyên liệu sừng động vật để chế tác ra các vật dụng trang trí, đồ dùng sinh hoạt, thị trường xuất khẩu chủ yếu của sản phẩm là Đông Âu, Bắc Á, doanh thu bình quân 1 năm từ 2 – 3 tỷ đồng.
2. Tiềm năng du lịch: Hà Nam có nhiều điểm sinh thái khá hấp dẫn như khu du lịch Ngũ Động Sơn có Đền Trúc thờ Lý Thường Kiệt, vị anh hùng dân tộc thời Lý. Ngũ Động Sơn là quả núi có 5 hang động nối liền nhau tạo thành một dãy hang động liên hoàn. Trên đỉnh núi có bàn cờ thiên tạo bằng đá, trong động có nhiều nhũ đá tạo vẻ đẹp huyền bí. Nhiều thi nhân và du khách đã từng qua đây dừng chân chiêm ngưỡng. Di tích này cánh thị xã Phủ Lý 7 km nằm sát với dòng sông Đáy và lại kề bên quốc lộ 21A.
    Đền Trần Thương ở huyện Lý Nhân, thờ Quốc công Tiết Chế Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn. Đền được xây dựng năm 1783 với diện tích 1,4 ha. Riêng nội tự rộng 0,5 ha, kiến trúc của đền mang đậm nét nghệ thuật cổ truyền dân tộc. Hàng năm ở đây có lễ tưởng niệm và liên hệ mật thiết với lễ hội ở Côn Sơn - Kiếp Bạc, Bảo Lộc – Nam Định
    Hồ Tam Chúc ở xã Ba Soa, huyện Kim Bảng, diện tích mặt nước hồ 585 ha, diện tích phụ cận và khu du lịch sinh thái là 600 ha. Hiện nay, Nhà nước đang thi công dự án với kinh phí 90 tỷ đồng để hoàn thiện khâu đắp đập ngăn nước và giải phóng lòng hồ; tái tạo vùng du lịch bơi thuyền trên hồ nước, du lịch sinh thái 600 ha, du lịch thắng cảnh thiên nhiên núi rừng, du lịch leo núi… Cần đầu tư thêm 120 – 150 tỷ đồng để xây dựng các nhà nghỉ, khách sạn, sân gôn, quần vợt, cầu lông. Lòng hồ đang thiết kế công viên nước, nhà thuỷ tạ; khách có thể đến bơi thuyền du ngoạn, câu cá, sinh hoạt thể thao. Nơi đây cách chùa Hương 7 km, cách Hà Nội 70 km, Nam Định 40 km, Ninh Bình 45 km, Hưng Yên 40 km. Khu sinh thái “Hồ Tam Trúc” là điểm dừng chân cho khách nhiều tỉnh, là nơi dưỡng trí vào các ngày nghỉ cuối tuần của khách thập phương.
    Chùa Long Đọi Sơn, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam, thường tổ chức lễ hội vào ngày 19 đến ngày 21 tháng 3 hàng năm. Lịch sử xây dựng chùa với tháp từ thế kỷ XI, tháp “sùng thiện diên linh” có nghệ thuật kiến trúc đặc trưng thời Lý, xây dựng xong vào năm 1121. Tháp cao 13 tầng, mở 40 cửa, đỉnh tháp có xá lỵ được niêm cất, toả trường quang cho đời Thịnh sau này. Di tích Long Đọi Sơn được xếp hạng từ năm 1992. Hàng năm có trùng tu, tôn tạo để gìn giữ cho muôn đời sau. Năm 2002 được Nhà nước và tỉnh quan tâm, dự án đầu tư được duyệt với mức vốn 18 tỷ đồng. Thời gian thi công đảm bảo kịp với kỷ niệm 1.000 Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội.
    Khu trung tâm du lịch thị xã Phủ Lý được xây dựng bên cạnh dòng sông Đáy, giáp cửa sông Châu. Tại đây có khách sạn 5 sao, 11 tầng, có khu bến thuỷ phục vụ du thuyền đi chùa Hương, Ngũ Động Sơn, chùa Bà Đanh, hang Luồn. Mỗi năm, du lịch Hà Nam đưa tiễn khách vào chùa Hương bằng đường bộ và đường thuỷ tới hàng chục nghìn du khách. Ngoài ra, đây còn là địa điểm bơi thuyền dọc sông Châu, sông Đáy vãn cảnh non nước vùng quê hương Hà Nam.     

GIỚI THIỆU KHÁI QUÁT VỀ TỈNH HÀ TÂY (23)
I. Điều kiện địa lý tự nhiên
1. Vị trí địa lý: Hà Tây liền kề với Hà Nội, phía Bắc giáp tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ, phía Đông giáp tỉnh Hưng Yên, phía Tây giáp tỉnh Hoà Bình, phía Nam giáp tỉnh Hà Nam. Với dân số trung bình 2.500.000 người, Hà Tây là tỉnh đứng thứ 5 trên toàn quốc về dân số, mật độ 1.100 người/km². Hà Tây là địa bàn xây dựng mới, là nơi di chuyển các xí nghiệp công nghiệp của Hà Nội. Với vị trí thuận lợi này, tỉnh có thể tiêu thụ các sản phẩm nông, lâm, thuỷ sản, vật liệu xây dựng, hàng tiêu dùng, hàng thủ công - mỹ nghệ… vào Hà Nội và khu tam giác trọng điểm của các tỉnh phía Bắc Hà Nội - Hải Phòng - Hạ Long.
2. Đặc điểm địa hình: Hà Tây có địa hình đa dạng, vùng núi đồi phía Tây và vùng đồng bằng phía Đông, độ cao giảm dần từ Tây Bắc xuống Đông Nam. Vùng núi có độ cao tuyệt đối 300 m trở lên, diện tích 17.000 ha, địa hình dốc trên 250, các núi đá vôi tập trung ở phía Tây Nam tỉnh, địa hình bị chia cắt rất phức tạp, có nhiều hang động lớn. Địa hình vùng đồng bằng tương đối bằng phẳng, mang đặc trưng vùng đồng bằng Bắc Bộ, ô trũng đê viền.
3. Khí hậu: Do đặc điểm của địa hình, Hà Tây chia thành 3 vùng có khí hậu khác nhau: vùng
đồng bằng có khí hậu của đồng bằng sông Hồng, chịu ảnh hưởng của gió biển, nhiệt độ trung bình hàng năm là 23,80C, lượng mưa trung bình 1.700 mm – 1.800 mm; vùng đồi gò có khí hậu lục địa chịu ảnh hưởng của gió Lào, nhiệt độ trung bình 24,50C, lượng mưa trung bình 2.300 mm – 2.400 mm; vùng núi cao, chủ yếu khu vực Ba Vì có khí hậu mát mẻ, nhiệt độ trung bình 180C.
II. Tài nguyên thiên nhiên
1. Tài nguyên đất: Hà Tây có tiềm năng về quỹ đất và khả năng phát triển các loại cây trồng, vật nuôi. Tổng diện tích đất tự nhiên của tỉnh là 219.299,92 ha. Trong đó, đất nông nghiệp là 122.179,31 ha (chiếm 55,7%), đất lâm nghiệp là 15.099,04 ha (6,88%), đất chuyên dùng 39.744,07 ha (18,14%), đất ở đô thị 645.0,6 ha (0,29%), đất ở nông thôn 12.255,27 ha (5,59%), đất chưa sử dụng 29.343,17 ha (13,38%).
2. Tài nguyên rừng: Hà Tây có 2 khu rừng tự nhiên: rừng Quốc gia Ba Vì có diện tích 7.400 ha với chủng loại thực vật phong phú và quí hiếm, 872 loài thực vật bậc cao thuộc 427 chi, trong 60 họ đã được xác định. Khu rừng chùa Hương (huyện Mỹ Đức) cũng có nhiều loại thực vật quý hiếm, được nhà nước công nhận là khu văn hoá lịch sử, được phân loại là rừng đặc dụng.
3. Tài nguyên khoáng sản: Theo kết quả điều tra, Hà Tây có một số khoáng sản chính: đá vôi ở Mỹ Đức, Chương Mỹ trữ lượng 7,2 triệu tấn; sét ở phía Đông Nam thị xã Sơn Tây có trữ lượng 4.129 tấn, và ở Tiến Phương (Chương Mỹ) có trữ lượng 15 triệu m3. Puzơlan ở Thái Hoà (Ba Vì) trữ lượng 4.129 tấn, than bùn ở Phù Cát (Quốc Oai), Trần Phú, Phượng Võ…P.g rít ở Ba Trại (Ba Vì) trữ lượng 124.662 tấn; vàng ở Phú Mãn, Xuân Mai (Chương Mỹ), đôlômit ở Phượng Cách (Quốc Oai), At be ở Đồng Chay, Yên Bái (Ba Vì) mới phát hiện; Latenít ở Phượng Cách, Đông Yên (Quốc Oai) lớp đá ong > 2,7 m.
III. Tiềm năng kinh tế
1. Tiềm năng du lịch: Hà Tây có 2.000 di tích lịch sử và gần 400 di tích được Nhà nước xếp hạng, trong đó 12 di tích đặc biệt quan trọng, cùng với đình, chùa, đền, miếu và lễ hội được tổ chức hàng năm, tổ chức làm phong phú thêm đời sống văn hoá tinh thần của nhân dân. Gắn liền với các di tích là lịch sử phát triển của dân tộc qua đấu tranh dựng nước và giữ nước như vùng núi cao Ba Vì với huyền thoại Sơn Tinh - Thuỷ Tinh nay là Rừng Quốc gia Ba Vì, dưới chân núi có nhiều cảnh đẹp, xây dựng các điểm du lịch: Ao Vua, Khoang Xanh, Suối Tiên, Thác Mơ, Suối Hai, Đồng Mô…Dãy núi đá vôi trùng điệp phía Tây Nam tỉnh (Quốc Oai, Chương Mỹ, Mỹ Đức) có nhiều hang động độc đáo, kỳ thú, tiêu biểu là động Hương Tích tạo nên thắng cảnh Hương Sơn nổi tiếng trong nước và thế giới, hàng năm thu hút hàng vạn khách thập phương đến du lịch và trẩy hội.
    Hà Tây còn có nhiều đình chùa có giá trị cao về kiến trúc, điêu khắc nghệ thuật và tôn giáo: Chùa Đậu (Thường Tín) có tên “Thành đạo tử”, chùa Tây Phương (Thạch Thất) có kiến trúc độc đáo nổi tiếng với 80 vị La Hán, chùa Thầy (Quốc Oai) có tên “Thiên Phúc Tự” nơi tu hành cho cao tăng Từ Đạo Hạnh được xây dựng từ đời Lý, Chùa Bối Khê, Chùa Trăm Gian, Chùa Trầm, Đền Và, Chùa Mía có 278 pho tượng, Lăng Ngô Quyền, Đền Nguyễn Trãi, Thành cổ Sơn Tây…đều là di tích lịch sử nổi tiếng.
    Tỉnh có 3 cụm du lịch: cụm Sơn Tây – Ba Vì là du lịch văn hoá sinh thái, nghỉ ngơi, vui chơi, giải trí, tham quan di tích lịch sử và văn hoá dân gian, nghỉ cuối tuần. Cụm chùa Hương là du lịch tín ngưỡng, tham quan di tích lịch sử, cảnh quan thiên nhiên, du lịch hang động. Cụm Hà Đông và phụ cận là du lịch xanh, du lịch văn hoá trong các làng nghề và làng nông nghiệp truyền thống, du lịch thương mại.
    Hiện nay, Hà Tây đang gọi vốn đầu tư liên doanh trong nước và nước ngoài để xây dựng cơ sở khách sạn, nhà hàng theo quy hoạch; đào tạo đội ngũ quản lý, công nhân viên phục vụ trong ngành du lịch về nghề nghiệp và ngoại ngữ; tập trung đầu tư vốn nâng cấp hệ thống giao thông trong tuyến du lịch khép kín, đảm bảo điện lưới, thông tin liên lạc hiện đại và vệ sinh môi trường ở các cụm du lịch.
2. Những lợi thế so sánh: Hà Tây liền kề Thủ đô Hà Nội, có điều kiện tự nhiên và vị trí địa lý thuận lợi, đất đai phong phú, cảnh quan đẹp, rất có điều kiện phát triển để trở thành một khu vực vệ tinh phát triển trên cả 3 lĩnh vực: Nông nghiệp, công nghiệp và du lịch dịch vụ. Trong những năm tới, tỉnh Hà Tây phấn đấu kết hợp hài hoà các nguồn lực bên trong và bên ngoài, nhất là vốn đầu tư, kỹ thuật, công nghệ và nguyên liệu, phát triển mạnh và đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng, tạo điều kiện cho quá trình trao đổi hàng hoá và phát triển các loại hình dịch vụ.

GIỚI THIỆU KHÁI QUÁT VỀ TỈNH HÀ TĨNH (24)
I. Điều kiện tự nhiên
1.Vị trí địa lý: Hà Tĩnh là tỉnh thuộc vùng Bắc Trung Bộ, phía Bắc giáp Thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An, phía Nam giáp tỉnh Quảng Bình, phía Tây giáp nước Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào, phía Đông là biển Đông. Về tổ chức hành chính, Hà Tĩnh có 2 thị xã (thị xã Hà Tĩnh và thị xã Hồng Lĩnh) và 9 huyện. Vị trí địa lý đó là điều kiện thuận lợi cho Hà Tĩnh phát triển sản xuất hàng hoá, tiếp thu tiến bộ khoa học - công nghệ, phát triển nhanh những ngành kinh tế mũi nhọn, mở rộng liên kết, giao lưu kinh tế với các tỉnh khác và quốc tế, sớm hội nhập vào xu thế chung của cả nước.
2. Đặc điểm địa hình: Nằm ở phía Đông dãy Trường Sơn, Hà Tĩnh có địa hình hẹp và dốc, nghiêng dần từ Tây sang Đông, độ dốc trung bình 1,2%. Địa hình bị chia cắt bởi nhiều sông suối đã tạo nên 137 km bờ biển, có nhiều sông, cửa lạch và các bãi biển đẹp.
    Địa hình đồi núi chiếm 80% diện tích tự nhiên, dãy núi phía Tây có độ cao trung bình 1.500 m, phân hoá phức tạp và bị chia cắt mạnh, hình thành các vùng sinh thái khác nhau. Dải đồng bằng ven biển hẹp chạy theo quốc lộ 1A và thường bị cắt ngang. Bãi cát chạy dọc suốt 100 km ven biển với nhiều cửa lạch tạo thành những điểm du lịch đẹp và nhiều ngư trường. Dải đồng bằng trung du Thanh – Nghệ – Tĩnh được hình thành  từ những trầm tích biển tuổi Đệ tứ xen kẽ các suối. Do địa hình dốc nên đất đai phần lớn bị xói mòn, bạc màu.
3. Khí hậu: Hà Tĩnh nằm trong khu vực nhiệt đới gió mùa nóng  ẩm, mưa nhiều. Ngoài ra, tỉnh còn chịu ảnh hưởng của khí hậu chuyển tiếp giữa miền Bắc và miền Nam, với đặc trưng khí hậu nhiệt đới điển hình của miền Nam và có một mùa đông giá lạnh của miền Bắc. Hà Tĩnh có 2 mùa rõ rệt: mùa hè từ tháng 4 đến tháng 10, mùa này nóng, khô hạn kéo dài kèm theo nhiều đợt gió Tây nam (gió Lào) khô nóng, nhiệt độ có thể lên tới 4oC, khoảng cuối tháng 7 đến tháng 10 thường có nhiều đợt bão kèm theo mưa lớn gây ngập úng nhiều nơi, lượng mưa lớn nhất 500 mm/ngày đêm; mùa đông từ tháng 11 đến tháng 3 năm sau, mùa này chủ yếu có gió mùa Đông Bắc kéo theo gió lạnh và mưa phùn, nhiệt độ có thể xuống tới 7OC.
II. Tài nguyên thiên nhiên
1.Tài nguyên đất: Diện tích đất tự nhiên toàn tỉnh là 605.574 ha. Trong đó, đất nông nghiệp 103.720 ha, chiếm 17,13%; đất lâm nghiệp 231.100 ha, chiếm 38,16%; đất chuyên dùng 45.700 ha, chiếm 7,55%, đất ở 6.920 ha, chiếm 1,14% đất chưa sử dụng còn khá nhiều: 218.134 ha, chiếm 36,02% diện tích đất tự nhiên. Nguồn tài nguyên đất đai ở Hà Tĩnh còn nhiều tiềm năng chưa được khai thác, đó là trong tổng số 218.134 ha đất chưa sử dụng có trên 187.000 ha có khả năng phát triển lâm nghiệp, 20.000 ha đất chưa sử dụng có thể đưa vào mục đích sản xuất nông nghiệp, 5.340 ha mặt nước có khả năng cải tạo để nuôi trồng thuỷ sản, 10.000 ha đất vườn gia đình chưa được cải tạo để sản xuất cây có giá trị kinh tế cao. Hiện nay, hệ số sử dụng đất nông nghiệp còn thấp, nhất là ở các huyện miền núi.Trung bình toàn tỉnh hiện nay, hệ số sử dụng đất đạt 1,8 lần.
    Đất đai, thổ nhưỡng ở Hà Tĩnh chủ yếu thích hợp cho trồng cây lương thực và cây công nghiệp ngắn ngày.
2. Tài nguyên rừng: Hà Tĩnh hiện có trên 300.000 ha rừng và đất rừng, trong đó diện tích rừng chiếm 66%, còn lại trên 100.000 ha đất trống, đồi trọc, đất cây bụi và bãi cát. Rừng tự nhiên có 164.978 ha, trong đó rừng sản xuất kinh doanh là 100.000 ha, rừng phòng hộ 63.000 ha. Trữ lượng gỗ là 20 triệu m2, hàng năm khai thác khoảng 2 vạn m2. Hiện nay, Hà Tĩnh còn giữ được một số vùng rừng nguyên sinh có hệ động, thực vật phong phú và đa dạng như  khu bảo tồn thiên nhiên Vũ Quang, khu rừng phòng hộ hò Kẻ Gỗ. Hiện có trên 86 họ và 500 loại cây dạng thân gỗ với nhiều loại gỗ quí và các loại động thực vật quí hiếm.
3. Tài nguyên khoáng sản: Khoảng sản là một tiềm năng lớn của Hà Tĩnh nhưng đến nay chưa được đầu tư khai thác. Tỉnh có quặng sắt ở Thạnh Khê ( huyện Thạch Hà) cách thị xã Hà Tĩnh 6 km, trữ lượng khoảng 500 triệu tấn, hàm lượng sắt cao, nằm dưới mặt đất 40 - 100 m; thiếc, măng gan ở Hương Sơn, than ở Hương Khê, nước khoáng Kim Sơn, ô xít ti tan nằm dọc theo bờ biển, trữ lượng khoảng 3 - 5 triệu tấn. Nguồn vật liệu xây dựng như đá, cát, sỏi tương đối dồi dào, hiện nay được khai thác chủ yếu cho xây dựng các công trình trên địa bàn và các vùng lân cận. Một số vùng có cát thạch anh si lích với trữ lượng khá lớn chưa được khai thác. Ngoài ra, Hà Tĩnh còn có nhiều loại sa khoáng chưa được điều tra khảo sát.
III. Tiềm năng kinh tế
1. Tiềm năng du lịch: Hà Tĩnh có quốc lộ 1A, đường Hồ Chí Minh, đường sắt quốc gia đi xuyên suốt chiều dài của tỉnh, có quốc lộ 8A nối trung tâm thị xã Hồng Lĩnh với cộng hoà dân chủ nhân dân Lào, Thái Lan là con đường đẹp nhất Việt Nam. Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo, cảng biển nước sâu Vũng Áng có thể cho tàu 5 vạn tấn cập bến. Hà Tĩnh có 137 km bờ biển với 4 cửa sông chính, nhiều lạch tạo nhiều bãi biển đẹp. Khu du lịch sinh thái Nước Sốt với mỏ nước khoáng thiên nhiên đạt tiêu chuẩn quốc tế là nơi du lịch dưỡng bệnh cho khách thập phương, khu bảo tồn thiên nhiên Vũ Quang, khu du lịch sinh thái Kẻ Gỗ…làm cho Hà Tĩnh trở nên sôi động bởi các hoạt động kinh doanh thương mại, du lịch, dịch vụ đến từ hai miền Nam -  Bắc và các du khách quốc tế
    Hà Tĩnh có nguồn tài nguyên văn hoá nhân văn phong phú, lâu đời với 328 di tích, trong đó có 58 di tích – thắng cảnh đã được xếp hạng quốc gia. Đây là vùng đất có nhiều lễ hội hiện nay đang cần được khôi phục như: lễ hội Rước Hến (Đức Thọ), lễ hội Xuân Điền, lễ hội chùa Hương Tích (Can Lộc), lễ hội Nhượng Bạn (Cẩm Xuyên), đền Củi (đền Bà Chúa Kho ở Nghi Xuân)…với nhiều trò chơi dân gian hấp dẫn du khách. Hà Tĩnh có nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ độc đáo được làm ra từ các làng nghề truyền thống hàng trăm năm trước như mộc(Thái Yên), làng rèn Vân Chàng(Trung Lương), mây tre Thạch Long…du khách về Hà Tĩnh còn được thưởng những làn điệu dân ca đặc sắc như hát ru, hò vè, trò kiểu, múa trống, múa quạt, hát chăn trâu, múa đèn, múa cửa đình…nhiều đặc sản nổi tiếng như bưởi Phúc Trạch, cu đơ Hà Tĩnh , quýt Kỳ Anh, hồng vuông Thạch Hà.
2. Những lĩnh vực kinh tế lợi thế: Tài nguyên đất ở Hà Tĩnh tạo điều kiện thuận lợi cho việc khoanh nuôi, trồng rừng và phát triển các vùng cây công nghiệp. Hơn 5.340 ha mặt nước có khả năng cải tạo để nuôi trồng thuỷ sản. Công nghiệp chế biến nông – lâm - thuỷ sản, khai thác và chế biến khoáng sản là những ngành có tiềm năng để phát triển đầu tư trong tương lai. Đặc biệt, du lịch tỉnh có nhiều tiềm năng phát triển. Thị xã Hà Tĩnh nằm trên trục đường quốc lộ 1A, trung đoạn giữa Hà Nội và thành phố Huế, trong quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam thời kỳ 1996 - 2010 được xác định là một điểm du lịch quan trọng trên tuyến du lịch xuyên Việt, có tính chất trung chuyển và đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý đưa vào quy hoạch trọng điểm du lịch của quốc gia. Nguồn vốn để lại cửa khẩu Cầu Treo theo Quyết định 53/QĐ - TTg của Thủ tướng Chính phủ đã được đầu tư cải thiện một bước hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật khu kinh tế đường 8 đến Cảng Xuân Hải. Các trung tâm thương mại– khách sạn được đầu tư khá hiện đại đang thu hút lượng hàng hoá và du khách trong và ngoài nước như trung tâm thương mại thị trấn Tây Sơn, trung tâm thương mại Phố Châu, Trung tâm Hội chợ Triển lãm quốc tế tại thị xã Hồng Lĩnh, trung tâm thương mại khách sạn thị xã Hà Tĩnh, các siêu thị, khách sạn đạt tiêu chuẩn 3 sao như khách sạn Thiên Ý tại khu nghỉ mát Thiên Cầm…Cùng với xu thế phát triển của ngành  du lịch – dịch vụ cả nước, với những tiềm năng, lợi thế và định hướng phát triển du lịch đúng đắn, trong thời gian tới, ngành du lịch - dịch vụ Hà Tĩnh sẽ có những bước phát triển đáng kể, góp phần quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.

GIỚI THIỆU KHÁI QUÁT VỀ TỈNH HƯNG YÊN (25)
I. Điều kiện địa lý tự nhiên
1.Vị trí địa lý: Hưng Yên là một tỉnh đồng bằng sông Hồng, tiếp giáp với 6 tỉnh: Hà Nội, Hà Tây, Bắc Ninh, Hải Dương, Hà Nam, Thái Bình. Tỉnh có 10 đơn vị hành chính gồm: thị xã Hưng Yên và các huyện Văn Lâm, Mỹ Hào, Yên Mỹ, Văn Giang, Khoái Châu, Kim Động, Ân Thi, Tiên Lữ, Phù Cừ. Tổng diện tích tự nhiên toàn tỉnh: 923 km2, mật độ dân số trung bình1.227 người/km2
2. Đặc điểm địa hình: Địa hình của tỉnh Hưng Yên tương đối bằng phẳng, hướng dốc từ Tây Bắc xuống Đông Nam, độ dốc 14 cm/km. Độ cao đất đai không đều mà hình thành các dải, các khu, vùng cao, thấp xen kẽ nhau như làn sóng. Cao độ trung bình từ 2 – 4,5 m, chiếm 70%; cao độ thấp nhất từ 1,2 – 1,8 m chiếm 10% và cao độ cao nhất là 5 – 7 m, chiếm 20%. Địa hình cao chủ yếu ở phía tây bắc tỉnh gồm các huyện Văn Lâm, Văn Giang, Khoái Châu; địa hình thấp tập trung ở các huyện Phù Cừ, Tiên Lữ, Ân Thi.
3. Khí hậu: Hưng Yên chịu ảnh hưởng của khí hậu nhiệt đới gió mùa, nóng ẩm. Hàng năm có hai mùa nóng và lạnh rõ rệt: mùa lạnh, trong thời kỳ đầu mùa đông, khí hậu tương đối khô, nửa cuối thì ẩm ướt; mùa hạ nóng ẩm, mưa nhiều. Nhiệt độ trung bình 23,20C khá đồng nhất trên địa bàn tỉnh; nhiệt độ trung bình thấp nhất là 160C. Lượng mưa trung bình từ 1.450 – 1.650 mm nhưng phân bố không đều trong năm, mùa mưa (từ tháng 5 đến tháng 10) tập trung tới 70% lượng mưa cả năm. Chịu ảnh hưởng của hai hướng gió chính: gió đông nam thổi vào mùa hạ, gió đông bắc thổi vào mùa đông. Mùa khô (từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau) lạnh và thường có mưa phùn, thích hợp cho gieo trồng nhiều loại cây ngắn ngày có giá trị kinh tế cao. Độ ẩm không khí trung bình trong năm là 86%, tháng cao nhất (tháng 3) là 92% và tháng thấp nhất (tháng 12) là 79%.
II. Tài nguyên thiên nhiên
1. Tài nguyên đất: Hưng Yên có diện tích đất nông nghiệp là 64.177 ha, trong đó đất cây hàng năm là 57.074,3 ha (chiếm 88,9%), cây lâu năm 716 ha (chiếm 1,1%), mặt nước nuôi trồng thuỷ sản 4000 ha. Quỹ đất nông nghiệp Hưng Yên còn nhiều tiềm năng để khai thác, đặc biệt là tăng vụ và có thể tăng vụ đông lên 30.000 ha. Ngoài ra còn nhiều ao, hồ, sông cụt chưa được khai thác sử dụng hết. Đất trồng cây lâu năm, đất vườn có khả năng trồng nhiều cây có giá trị kinh tế cao như: nhãn, vải, táo, cây cảnh, cây dược liệu… cung cấp cho thị trường trong nước đang tăng nhanh (đặc biệt là thị trường Hà Nội) và xuất khẩu. Hình thành các vùng sản xuất tập trung tạo nguồn nguyên liệu lớn và ổn định cho phát triển công nghiệp chế biến, đây là một thế mạnh của Hưng Yên.
2. Tài nguyên khoáng sản: Khoáng sản của Hưng Yên rất hạn chế, chủ yếu là nguồn cát đen với trữ lượng lớn ven sông Hồng, sông Luộc có thể khai thác đáp ứng nhu cầu xây dựng và san lấp mặt bằng, làm đường giao thông và phục vụ các vùng lân cận. Bên cạnh đó, tỉnh còn có nguồn đất sét tương đối lớn để sản xuất vật liệu xây dựng. Hưng Yên có nguồn than nâu (thuộc bể than nâu vùng đồng bằng sông Hồng) có trữ lượng rất lớn (hơn 30 tỷ tấn) nhưng nằm ở độ sâu trung bình từ 600 – 1.000 m, điều kiện khai thác rất phức tạp do lún sụt.
III. Tiềm năng kinh tế
1. Những lĩnh vực kinh tế lợi thế: Hưng Yên nằm trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, là vùng động lực phát triển công nghiệp hoá, hiện đại hoá của vùng Bắc Bộ và cả nước; có vị trí địa lý thuận lợi và có các tuyến đường giao thông quan trọng đi qua, đó là cơ hội đón nhận và tận dụng sự phát triển chung của cả vùng, trước hết về khoa học kỹ thuật, công nghệ tiên tiến, vốn đầu tư, tiêu thụ sản phẩm… đây là điều kiện tốt để phát triển kinh tế theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá.
    Là một tỉnh có lợi thế về phát triển nông nghiệp, có vị trí địa lý thuận lợi là gần các thị trường lớn tiêu thụ sản phẩm từ nông nghiệp, gần các trung tâm công nghiệp các thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh; gần các cửa khẩu quốc tế, các cảng biển tạo điều kiện tốt để phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng nông nghiệp hàng hoá phục vụ cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
2. Tiềm năng du lịch: Do đặc điểm Hưng Yên không có rừng và biển nên ngành du lịch phát triển còn hạn chế. Hiện nay, tỉnh đang đầu tư xây dựng các kết cấu hạ tầng để phục vụ phát triển du lịch như: đường giao thông, các khu di tích lịch sử văn hoá… Mặt khác, Hưng Yên cách thủ đô Hà Nội không xa có khả năng gắn kết với các tuyến du lịch từ Hà Nội qua Hưng Yên, Hải Dương đi Hải Phòng, Quảng Ninh, Hà Nam, Thái Bình… Đây là một lợi thế quan trọng, nếu triển khai tốt và có sự liên kết chặt chẽ với các tỉnh lân cận sẽ tạo nên những tuyến du lịch hấp dẫn, góp phần phát triển nhanh các ngành du lịch dịch vụ, tăng xuất khẩu tại chỗ và tạo việc làm cho lao động trong tỉnh.
    Hưng Yên là khu vực tập trung nhiều di tích lịch sử nổi tiếng. Toàn tỉnh hiện có hơn 800 di tích lịch sử và văn hoá, trong đó có 132 di tích được xếp hạng cùng hàng nghìn tài liệu và hiện vật cổ có giá trị. Đặc biệt, quần thể di tích Phố Hiến, Đa Hoà, Dạ Trạch, khu tưởng niệm lương y Hải Thượng Lãn Ông… là nguồn tài nguyên văn hoá rất có giá trị cho phát triển du lịch.
    Là một tỉnh thuộc đồng bằng sông Hồng có nền văn minh lúa nước lâu đời, Hưng Yên có nhiều lễ hội truyền thống phản ánh khá rõ nét con người, truyền thống, phong tục của nền văn minh lúa nước. Nét độc đáo của nhiều lễ hội truyền thống là các lễ rước thường gắn liền với sông Hồng như lễ hội đền Mẫu, đền Dạ Trạch, đền Đa Hoà… đều tổ chức rước nước từ sông Hồng về lễ thánh; thông qua các lễ hội để người dân tưởng nhớ các vị anh hùng, người có công xây dựng đất nước.

GIỚI THIỆU KHÁI QUÁT VỀ TỈNH HẢI DƯƠNG (26)
I. Điều kiện địa lý tự nhiên
1. Vị trí địa lý :Tỉnh Hải Dương nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, cách thủ đô Hà Nội 60 km về phía Tây, cách cảng Hải Phòng 45 km về phía Đông, phía Bắc giáp với các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, phía Tây giáp tỉnh Hưng Yên, phía Đông giáp tỉnh Quảng Ninh, phía Nam giáp tỉnh Thái Bình, phía Đông giáp thành phố Hải Phòng.
2. Đặc điểm địa hình: Địa hình Hải Dương nghiêng và thấp dần từ Tây xuống Đông Nam, phần đất núi đồi chiếm gần 11% tổng diện tích tự nhiên, diện tích đồng bằng chiếm 89%.
3. Khí hậu: Hải Dương nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, chia làm 4 mùa rõ rệt (xuân, hạ, thu, đông). Lượng mưa trung bình hàng năm 1.300 – 1.700 mm. Nhiệt độ trung bình 23,30C, số giờ nắng trong năm 1.524 giờ, độ ẩm tương đối trung bình 85 – 87%. Khí hậu và thời tiết của tỉnh thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp, bao gồm cây lương thực, thực phẩm và cây ăn quả, đặc biệt là sản xuất cây vụ đông.
II. Tài nguyên thiên nhiên
1. Tài nguyên đất: Hải Dương có diện tích tự nhiên 1.662 km2 , được chia làm 2 vùng: vùng đồi núi và vùng đồng bằng. Vùng đồi núi ở phía Bắc tỉnh, chiếm 11% diện tích tự nhiên, gồm 13 xã thuộc huyện Chí Linh và 18 xã thuộc huyện Kinh Môn, là vùng đồi núi thấp phù hợp với việc trồng cây ăn quả, cây lấy gỗ và cây công nghiệp ngắn ngày. Vùng đồng bằng còn lại chiếm 89% diện tích tự nhiên do phù sa sông Thái Bình bồi đắp, đất màu mỡ thích hợp với nhiều loại cây trồng, sản xuất được nhiều vụ trong năm.
    Trên diện tích hành chính 166.222 ha, Hải Dương bố trí sử dụng 63,1% vào sản xuất. Đất canh tác phần lớn là đất phù sa sông Thái Bình, tầng canh tác dày, thành phần cơ giới thịt nhẹ đến thịt trung bình, độ PH từ 5 – 6,5; chủ động tưới tiêu bằng động lực, thuận lợi cho thâm canh tăng vụ, ngoài sản xuất lúa còn trồng rau màu, cây công nghiệp ngắn ngày. Một số diện tích đất canh tác ở phía bắc tỉnh tầng đất mỏng, chua, nghèo dinh dưỡng, tưới tiêu tự chảy bằng hồ đập nước, thích hợp với cây lạc, đậu tương…
2. Tài nguyên rừng: Diện tích rừng tỉnh Hải Dương có 9.140 ha, trong đó rừng tự nhiên có 2.384 ha, rừng trồng có 6.756 ha.
3. Tài nguyên khoáng sản: Tài nguyên khoáng sản của Hải Dương tuy không nhiều chủng loại nhưng một số có trữ lượng lớn, chất lượng tốt đáp ứng cho nhu cầu phát triển công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng của tỉnh, đồng thời cung cấp nguyên liệu cho trung ương và một số tỉnh khác. Đá vôi ở huyện Kinh Môn, trữ lượng 200 triệu tấn, chất lượng tốt, CaCO3 đạt 90 – 97% cung cấp đủ nguyên liệu cho sản xuất sứ. Xi măng sản lượng 4 – 5 triệu tấn. Cao lanh ở Kinh Môn, Chí Linh trữ lượng 40 vạn tấn, tỷ lệ Fe2O3: 0,8 – 1,7 %, Al2O3 17 – 19% cung cấp đủ nguyên liệu cho sản xuất sứ trong tỉnh và một số tỉnh khác. Sét chịu lửa ở huyện Chí Linh, trữ lượng 8 triệu tấn, chất lượng tốt, tỷ lệ Al2O3 từ 23,5 – 28%, Fe2O3 từ 1,2 – 1,9 % cung cấp nguyên liệu sản xuất gạch chịu lửa trong tỉnh và một số tỉnh khác. Bôxít ở huyện Kinh Môn, trữ lượng 200.000 tấn, hàm lượng Al2O3 từ 46,9 – 52,4%, Fe2O3 từ 21 – 26,6%, SiO2 từ 6,4 – 8,9%.
III. Tiềm năng kinh tế
1. Tiềm năng du lịch: Hải Dương có tiềm năng lớn về du lịch, nhất là du lịch văn hoá, lịch sử
và lễ hội, với 1.907 di tích lịch sử văn hoá, trong đó có 97 di tích được xếp hạng và nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng như chùa Côn Sơn, đền Kiếp Bạc, đền thờ Trần Liễu, tượng đài Trần Hưng Đạo, chùa An Phụ, động Kính Chủ, di chỉ Văn Miếu…Các di tích và danh thắng của tỉnh tập trung vào 2 cụm du lịch Côn Sơn - Kiếp Bạc và cụm An Phụng - Kính Chủ.
2. Những lợi thế so sánh: Hải dương là tỉnh nằm giữa vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, cách Hà Nội 60 km, các Hải Phòng 45 km và cách vịnh Hạ Long 80 km. Tỉnh có hệ thống giao thông đường sắt, đường bộ, đường thuỷ rất thuận lợi, có quốc lộ 5 chạy qua tỉnh, phần qua tỉnh dài 44 km, quốc lộ 18 chạy qua phía Bắc tỉnh, phần qua tỉnh dài 20 km, quốc lộ 183 chạy dọc tỉnh nối quốc lộ 5 và quốc lộ 18 dài 22 km, tuyến đường sắt Hà Nội - Hải Phòng chạy song song với đường quốc lộ 5 có 7 ga đỗ đón trả khách nằm trên địa bàn tỉnh. Tuyến đường sắt Kép - Phả Lại cung cấp than cho nhà máy điện Phả Lại. Hệ thống giao thông thuỷ có 16 tuyến dài 400 km do trung ương và tỉnh quản lý cho tàu thuyền trọng tải 400 – 500 tấn qua lại dễ dàng. Vị trí địa lý và hệ thống giao thông trên đã tạo điều kiện cho Hải Dương giao lưu kinh tế với các tỉnh, thành phố trong nước và quốc tế rất thuận lợi, Hải Dương sẽ có cơ hội tham gia vào phân công lao động trên phạm vi toàn vùng Bắc Bộ, đặc biệt là trao đổi hàng hoá với các tỉnh, thành phố trong cả nước và xuất khẩu.
    Hải Dương có một số khoáng sản trữ lượng lớn làm nguyên liệu phục vụ công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng tại chỗ (đá vôi xi măng, cao lanh, sét chịu lửa…). Do đó, giảm được chi phí vận chuyển nguyên liệu, tạo điều kiện hạ giá thành, nâng sức cạnh tranh so với các địa phương khác. Với trữ lượng đá vôi, xi măng, Hải Dương có thể sản xuất 4 – 5 triệu tấn xi măng mỗi năm.
    Hải Dương có nguồn lao động dồi dào, lực lượng lao động trong độ tuổi năm 2002 có gần 92 vạn người, chiếm 54,6% dân số trong tỉnh, lao động trong độ tuổi từ 18 – 30 chiếm 40% tổng số lao động. Tỷ lệ lao động qua đào tạo chiếm 19 – 20%, lao động phổ thông có trình độ văn hoá trung học phổ thông chiếm 60 – 65%. Người lao động Hải Dương cần cù, năng động, tiếp thu, nắm bắt kỹ thuật nhanh. Với lực lượng lao động đông đảo, có trình độ văn hoá lại gần các thành phố nên việc cung ứng lao động làm lâu dài cũng như thời vụ cho nhu cầu tại các khu này rất thuận lợi

GIỚI THIỆU KHÁI QUÁT VỀ TỈNH HẬU GIANG (27)
I. Điều kiện tự nhiên
1. Vị trí địa lý: Phía Tây giáp tỉnh Kiên Giang, phía Bắc giáp thành phố Cần Thơ và tỉnh Vĩnh Long, phía Nam giáp tỉnh Bạc Liêu, phía Đông giáp tỉnh Sóc Trăng.
2. Điều kiện tự nhiên: Diện tích tự nhiên: 160.722,49 ha; diện tích rừng: 3.604,62 ha; diện tích đất trồng lúa, màu: 86.516,32 ha; diện tích đất trồng cây công nghiệp lâu năm và cây ăn quả: 3.940,17 ha; diện tích mặt nước nuôi trồng thuỷ sản: 121,48 ha.
II. Dân số lao động
1. Dân số: Tổng số: 772.239 người, trong đó nam: 379.069 người; nữ: 393.170 người; người kinh: chiếm 96,44%; người Hoa: chiếm 1,14%; người Khơ - me: 2,38%; các dân tộc khác chiếm 0,04%. Khu vực thành thị: 115.851 người; nông thôn; 656.388 người.
2. Lao động: Tổng số: 470.130 người, trong đó lao động đang làm việc trong các thành phần kinh tế: 382.035 người; lao động dự trữ: 88.095 người.
III. Đơn vị hành chính
1. Tổng số huyện, thị: 5 huyện (Châu Thành A, Châu Thành, Phụng Hiệp, Vị Thuỷ và huyện Long Mỹ); 1 thị xã (Vị Thanh).
2. Tổng số thị trấn, xã, phường: 7 thị trấn, 48 xã, 5 phường.
IV. Hệ thống hạ tầng kinh tế kỹ thuật
1. Hệ thống giao thông: Tỉnh Hậu Giang có hệ thống giao thông thuỷ, bộ thuận tiện nối liền các mạch giao thông với các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long nên có khả năng giao lưu và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh vùng Nam Sông Hậu và cả vùng đồng bằng sông Cửu Long. Đặc biệt tuyến đường bộ nối thị xã Vị Thanh, thị trấn Một Ngàn và thành phố Cần Thơ là cầu nối quan trọng giữa thành phố Cần Thơ với tỉnh Kiên Giang và Bạc Liêu, tạo đà phát triển,
giao lưu hàng hoá giữa Hậu Giang và các tỉnh trong khu vực.
2. Hệ thống điện, nước, bưu điện: Tỉnh đang triển khai xây dựng hệ thống điện, nước, bưu chính, viễn thông cho trung tâm tỉnh lỵ và các cụm thị trấn, thị tứ, huyện, xã... Đồng thời gắn với quy hoạch đô thị và xây dựng nông thôn mới: Thị xã Vị Thanh quy hoạch theo hướng đô thị loại III, phát triển dọc theo Kinh Xáng Xà No (2 hướng Đông Bắc và Tây Nam) và phát triển các đô thị vệ tinh xung quanh tỉnh lỵ Vị Thanh.
V. Khu công nghiệp:
    Hậu Giang có khu công nghiệp Vị Thanh, diện tích 150 ha được quy hoạch xây dựng bên Quốc lộ 61, kênh Xáng Hậu và sông Cái Tư - Rạch Nhút thuộc địa bàn huyện Châu Thành và thị xã Vị Thanh. Đây là khu công nghiệp nằm trên vùng tập trung nguyên liệu cung cấp cho ngành chế biến lương thực, thực phẩm như: khóm (dứa), mía, đậu, mè, các loại rau củ, gạo chất lượng cao... thúc đẩy vùng này sớm phát triển theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp nông thôn

GIỚI THIỆU KHÁI QUÁT VỀ TỈNH ĐIỆN BIÊN  (28)
 I. Điều kiện tự nhiên
1. Vị trí địa lý: Điện Biên là tỉnh miền núi biên giới thuộc vùng Tây Bắc, cách thủ đô Hà Nội gần 500 km về phía Tây; phía Bắc giáp tỉnh Lai Châu, phía Đông và Đông bắc giáp tỉnh Sơn La, phía Tây Bắc giáp tỉnh Vân Nam – Trung Quốc; phía Tây và Tây Nam giáp với nước Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào.
    Tổng diện tích tự nhiên toàn tỉnh hiện nay là 9.554.097 km2 với dân số 438.135 người (chiếm 55,6% diện tích tự nhiên, 66,3% dân số của tỉnh Lai Châu cũ).
2. Đặc điểm địa hình: Điện Biên có địa hình phức tạp, được cấu tạo bởi những dãy núi chạy dài theo hướng Tây dọc biên giới Việt – Lào dài khoảng 100 km với đỉnh Pu Đen Đinh cao 1.886m và dãy Phu Sang Cáp dài 50 – 60 m. Xen lẫn với các dãy núi cao là những thung lũng, sông suối nhỏ hẹp và dốc phân bổ khắp nơi trong địa bàn tỉnh. Đặc biệt, thung lũng Mường Thanh với bề mặt bằng phẳng đã tạo cho tỉnh có cánh đồng Mường Thanh rộng lớn.
3. Khí hậu: Điện Biên có khí hậu nhiệt đới gió mùa núi cao, mùa đông tương đối lạnh và ít mưa; mùa hạ nóng, mưa nhiều với các đặc tính diễn biến bất thường, phân hoá đa dạng, ít chịu ảnh hưởng của bão, chịu ảnh hưởng của gió tây khô và nóng. Nhiệt độ trung bình hàng năm từ 21 – 230C, chất lượng mưa trung bình từ 1.700 – 2.500 mm, độ ẩm trung bình từ 83 – 85%.
    Do diện tích tự nhiên rộng, địa hình lại bị chia cắt nên khí hậu ở đây bị phân hoá thành 3 tiểu vùng rõ rệt: tiểu vùng khí hậu Mường Nhé, tiểu vùng khí hậu Mường Lay và tiểu vùng khí hậu cao nguyên Sơn La và thượng nguồn sông Mã.
II. Tài nguyên thiên nhiên
1. Tài nguyên đất: Điện Biên có các nhóm đất chính là: nhóm đất phù sa, nhóm đất đen, nhóm đất mùn vàng đỏ trên núi. Những loại đất này rất phù hợp để phát triển các loại cây lương thực, hoa màu và cây công nghiệp ngắn ngày, trồng và khoanh nuôi tái sinh rừng.
    Tổng diện tích đất nông nghiệp toàn tỉnh là 108.158 ha, chiếm 11,32% diện tích đất tự nhiên; trong đó diện tích đất lâm nghiệp có rừng là 309.765 ha (chiếm 32,42%), diện tích đất chuyên dùng 6.053 ha (chiếm 0,68%). Ngoài ra, Điện Biên còn có 528.370 ha đất chưa sử dụng, chiếm 55,3% tổng diện tích đất tự nhiên, trong đó chủ yếu là đất đồi núi (96,9%).
2. Tài nguyên rừng: Hiện nay, toàn tỉnh có 348.049 ha rừng, đạt tỷ lệ che phủ 37%. Trong rừng có nhiều loại gỗ quý hiếm, giá trị kinh tế cao như: lát, trò chỉ, nghiến, táu, pơmu…ngoài ra còn có các loại cây đặc sản khác như cánh kiến đỏ, song mây…Không chỉ có nhiều loại thực vật quý hiếm, rừng Điện Biên còn có 61 loài thú, 270 loài chim, 27 loài động vật lưỡng cư, 25 loài bò sát, 50 loài cá đang sinh sống. Trong những năm gần đây do nạn đốt rừng và săn bắt chim thú tự do nên lượng chim thú quý trong rừng ngày càng giảm, một số loài đang có nguy cơ bị tuyệt chủng.
3. Tài nguyên khoáng sản: Điện Biên không có nhiều loại khoáng sản, tuy nhiên qua điều tra sơ bộ trên địa bàn tỉnh vẫn có một số loại khoáng sản chính như than đá, đá đen, vàng, cát, sỏi và các loại vật liệu xây dựng khác…Hiện, mỏ than mỡ Thanh An có trữ lượng khoảng 156.000 tấn; mỏ cao lanh ở Huổi Phạ trữ lượng khoảng 51.000 tấn; mỏ đá xây dựng ở Tây Trang; vàng sa khoáng ở thượng nguồn sông Đà; nước khoáng Mường Luân… Tuy các mỏ này có trữ lượng không lớn, nhưng đây là nguồn lực khá quan trọng để phát triển các ngành công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp ở địa phương.
III. Tiềm năng kinh tế
1. Tiềm năng du lịch: Tỉnh Điện Biên có di tích lịch sử Điện Biên Phủ, khu chỉ huy chiến dịch Mường Phăng…là tài sản vô cùng quý giá để khai thác phát triển du lịch và nghiên cứu lịch sử, bên cạnh đó tỉnh còn có nhiều  điểm du lịch hấp dẫn như: hồ Pa Khoang, suối khoáng nóng Hua Pe, hồ U Va, thác Mường Luân, bia Lê Lợi, thành Bản Phủ…Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có 18 dân tộc anh em sinh sống với những nét văn hoá đặc trưng riêng, gồm cả văn hoá vật thể và văn hoá phi vật thể, rất thích hợp để phát triển du lịch văn hoá.
2. Những lợi thế so sánh: Điện Biên có lợi thế lớn về tiềm năng đất đai, đặc biệt là diện tích đất chưa sử dụng còn rất lớn (trên 500.000 ha, chiếm 55% tổng diện tích tự nhiên). Đây chính là tiềm năng lợi thế lớn để tỉnh đầu tư phát triển lâm nghiệp, trồng cây công nghiệp, chăn nuôi đại gia súc… Ngoài ra cánh đồng Điện Biên rộng lớn với đất đai màu mỡ, được coi là vựa lúa của vùng Tây Bắc, nếu được đầu tư thoả đáng và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật thì sẽ trở thành nơi sản xuất lúa gạo chất lượng cao của cả nước để xuất khẩu. Tại các vùng Mường Nhé, Si Pa Thìn, Điện Biên có rất nhiều thuận lợi để tập trung phát triển chăn nuôi các loại gia súc theo hướng kinh tế trang trại. Trên địa bàn tỉnh còn có rất nhiều di tích lịch sử có giá trị văn hoá, du lịch cao, trong đó đáng chú ý là di tích Điện Biên Phủ và nhiều danh lam thắng cảnh gắn với nền văn hoá truyền thống của các dân tộc anh em, đây là lợi thế lớn để tỉnh phát triển mạnh ngành du lịch, dịch vụ.
    Ngoài những tiềm năng trên Điện Biên còn có đường biên giới chung với nước Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào và Trung Quốc. Tại đây có các cửa khẩu Tây Trang (đang đề nghị được nâng cấp thành cửa khẩu quốc tế), cửa khẩu Pa Thơm, cửa khẩu Mường Lói, cửa khẩu A Pa Chải… Đây là những cửa khẩu quan trọng để tỉnh Điện Biên mở mang phát triển kinh tế và giao lưu với các nước. Ngoài tỉnh còn có sân bay Điện Biên đang được nâng cấp và mở rộng, đồng thời còn có nhiều tiềm năng để phát triển thuỷ điện và các nguồn điện năng khác.

GIỚI THIỆU KHÁI QUÁT VỀ TỈNH ĐẮK LẮK (29)
I. Điều kiện tự nhiên
1. Vị trí địa lý: Tỉnh Đắk Lắk có diện tích tự nhiên là 1.306.201 ha, phía Bắc giáp tỉnh Gia Lai, phía Đông giáp Phú Yên và Khánh Hoà, phía Nam giáp Lâm Đồng và Bình Phước; phía Tây giáp Campuchia với đường biên giới dài 193 km. Độ cao trung bình 400 – 800 m so với mặt nước biển.
    Nằm ở trung tâm vùng Tây Nguyên, đầu nguồn của hệ thống sông Sêrêpôk và một phần của sông Ba, Đắk Lắk có quốc lộ 14 chạy qua nối với thành phố Đà Nẵng qua các tỉnh Gia Lai, Kon Tum và nối với thành phố Hồ Chí Minh qua Bình Phước và Bình Dương.
2. Đặc điểm địa hình: Địa hình của tỉnh rất đa dạng: nằm ở phía Tây và cuối dãy Trường Sơn, là một cao nguyên rộng lớn, địa hình dốc thoải, lượn sóng, khá bằng phẳng xen kẽ với các đồng bằng thấp ven theo các sông chính. Địa hình của tỉnh có hướng thấp dần từ Đông Nam sang Tây Bắc.
3. Khí hậu: Khí hậu toàn tỉnh được chia thành hai tiểu vùng. Vùng phía Tây Bắc có khí hậu nắng nóng, khô hanh về mùa khô; vùng phía Đông và phía Nam có khí hậu mát mẻ, ôn hoà. Khí hậu sinh thái nông nghiệp của tỉnh được chia ra thành 6 tiểu vùng:
    - Tiểu vùng bình nguyên Ea Súp chiếm 28,43% diện tích tự nhiên.
    - Tiểu vùng cao nguyên Buôn Mê Thuột – Ea H’Leo chiếm 16,17% diện tích tự nhiên.
    - Tiểu vùng đồi núi và cao nguyên M’Đrắk chiếm 15,82% diện tích tự nhiên.
    - Tiểu vùng đất ven sông Krông Ana – Sêrêpôk chiếm 14,51% diện tích tự nhiên.
    - Tiểu vùng núi cao Chư Yang Sin chiếm 3,98% diện tích tự nhiên.
    - Tiểu vùng núi Rlang Dja chiếm 3,88% diện tích tự nhiên.
    Nhìn chung khí hậu khác nhau giữa các dạng địa hình và giảm dần theo độ cao: vùng dưới
300 m quanh năm nắng nóng, từ 400 – 800 m khí hậu nóng ẩm và trên 800 m khí hậu mát. Tuy nhiên, chế độ mưa theo mùa là một hạn chế đối với phát triển sản xuất nông sản hàng hoá.
II. Tài nguyên thiên nhiên
1.Tài nguyên đất: Toàn tỉnh có 8 nhóm đất, trong đó có 2 nhóm chiếm ưu thế cả về diện
tích và ý nghĩa sử dụng là nhóm đất xám chiếm 1.069.637 ha, bằng 54,57% diện tích tự nhiên và nhóm đất đỏ 723.077 ha, bằng 36,52%.
    Chất lượng của các loại đất chủ yếu đều thích hợp cho phát triển cây công nghiệp có giá trị như: cà phê, cao su, hồ tiêu..cho năng suất cao và chất lượng tốt.
2. Tài nguyên rừng: Rừng Đắk Lắk có diện tích và trữ lượng lớn nhất nước với nhiều chủng loại gỗ quý hiếm, nhiều loại cây đặc sản vừa có giá trị  kinh tế vừa có giá trị khoa học; phân bố trong điều kiện thuận lợi nên tái sinh rừng có mật độ khá lớn.
3. Tài nguyên khoáng sản: Đắk Lắk có nhiều loại khoáng sản với trữ lượng khác nhau, trong đó một số loại khoáng sản đã được xác định là: sét cao lanh với trữ lượng ước tính khoảng 60 triệu tấn, phân bố ở M’Đrắk, Buôn Ma Thuột; sét gạch ngói với trữ lượng ước tính trên 50 triệu tấn, phân bố ở Krông Ana, M’Đrăk, Buôn Ma Thuột, Cư Jút và nhiều nơi trong tỉnh.
    Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có nhiều loại khoáng sản khác như Vàng (Ea Kar), chì (Ea H’leo), phốt pho (Buôn Đôn), than bùn (Cuôr Đăng), đá quý (Opan, Jectit), đá ốp lát, đá xây dựng, cát xây dựng… có trữ lượng không lớn phân bố ở nhiều nơi trong tỉnh.
4. Nguồn nước: Hệ thống sông suối trên địa bàn tỉnh khá phong phú, phân bố tương đối đồng đều, nhưng do địa hình dốc nên khả năng trữ nước kém, những khe suối nhỏ hầu như không có nước trong mùa khô. Đáng chú ý là sông Sêrêpôk với 2 nhánh sông chính là sông Krông Ana và Krông Nô, sông Krông H’năng và sông Đồng Nai. Bên cạnh hệ thống sông suối khá phong phú, trên địa bàn tỉnh hiện nay còn có rất nhiều hồ tự nhiên và hồ nhân tạo như hồ Lắk, Ea Kao, Buôn Triết, Ea sô…
    Với lượng mưa bình quân 1.900 mm, mỗi năm Đắk lắk có 38,8 tỷ m3 nước, trong đó lượng mưa chuyển vào dòng chảy khoảng 17,5 tỷ m3.
    Nguồn nước ngầm trên vùng đất bazan tương đối lớn. Trữ lượng công nghiệp cấp C2 ở cao nguyên Buôn Ma Thuột khoảng 21.028.000 m3/ngày, tạo thành 2 tầng chứa nước khác nhau. Nước ngầm có trữ lượng lớn ở độ sâu 40 – 90 m, tổng lượng nước ngầm sử dụng vào những tháng mùa khô khoảng 482.400 m3/ngày.
III. Tiềm năng kinh tế
1. Tiềm năng du lịch: Du lịch đang có lợi thế với nhiều địa danh cho phép khai thác theo hướng kết hợp cảnh quan, sinh thái, môi trường và truyền thống văn hoá của nhiều dân tộc trong tỉnh như hồ Lắk, cụm thác Gia Long – Draysay, cụm du lịch Buôn Đôn, thác Krông Kma, Diệu Thanh, Tiên Nữ… bên cạnh các vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên Chư Yang Sin, Easo…
    Tính đến ngày 31/12/2000, toàn tỉnh có 23 di tích lịch sử cách mạng, 2 di tích lịch sử văn hoá, 13 di tích kiến trúc nghệ thuật, 8 di tích khảo cổ, 71 di tích thắng cảnh, 25 danh lam thắng cảnh. Có 9 di tích được Bộ Văn Hoá công nhận di tích quốc gia. Nhà bảo tàng Đắk Lắk có hơn 8.000 hiện vật văn hoá lịch sử.
2. Những lợi thế so sánh: Đắck Lắk nằm ở trung tâm của Tây Nguyên, với khí hậu mát mẻ quanh năm, đất đai khá đa dạng, phong phú, với hơn 8 nhóm đất khác nhau, đặc biệt có hơn 700.000 ha đất đỏ bazan có khả năng phát triển thành những vùng chuyên canh cây công nghiệp lớn như cà phê, cao su, các loại cây công nghiệp ngắn ngày có giá trị kinh tế cao. Rừng Đắc Lắk có diện tích và trữ lượng lớn nhất  nước với nhiều chủng loại gỗ quý hiếm. Diện tích đất lâm nghiệp quy hoạch phát triển trồng rừng nguyên liệu còn nhiều, cho phép phát triển những nhà máy chế biến lâm sản có công suất lớn.
    Công nghiệp có ưu thế đặc biệt, với mỏ quặng bôxít trữ lượng khoảng 5,4 tỷ tấn phân bố tập trung ở vùng phía Nam của tỉnh, ngoài ra còn có nhiều khoáng sản khác như sét cao lanh, sét gạch ngói, đá quý, than bùn, nước khoáng, vàng, chì, phốt pho…, thuỷ năng ước khoảng  2,6 tỷ kWh song chưa được khai thác, đặc biệt các bậc thang trên hệ thống sông Sêrêpôk và sông Đồng Nai cho phép phát triển nhiều công trình thuỷ điện lớn, nhiều sông suối nhỏ rải rác khắp
địa bàn có thể phát triển được thuỷ điện vừa và nhỏ như Đắk Rtik, Ea Súp, Krông Năng…

GIỚI THIỆU KHÁI QUÁT VỀ TỈNH ĐẮK NÔNG (30)
 I. Điều kiện tự nhiên
1. Vị trí địa lý: Đắk Nông là tỉnh mới được thành lập từ 01/01/2004 trên cơ sở tách từ 6 huyện phía Nam của tỉnh Đắk Lắk, có diện tích tự nhiên 651.000 ha, dân số 400.000 người với 31 dân tộc anh em sinh sống; Phía Bắc giáp tỉnh Đắk Lắk, phía Đông giáp tỉnh Lâm Đồng, phía Tây giáp tỉnh Munđunkiri của nước bạn Campuchia, phía Nam giáp tỉnh Bình Phước. Là tỉnh miền núi có độ cao khoảng 600 - 700 m, có nơi lên đến 1.970 m so với mực nước biển.
2. Khí hậu.: Khí hậu ở Đắk Nông luôn ôn hoà, nhiệt độ từ 22 - 24oC, trong năm có hai mùa mưa – nắng rõ rệt.
II. Tài nguyên khoáng sản
    Tỉnh Đắk Nông có nguồn tài nguyên rừng phong phú với trữ lượng gỗ lớn, nhiều loài cây cho giá trị kinh tế cao như hương, sao…, có hệ thống sông suối lớn như suối Đắk Nông, Đắk R,Tik, sông Đồng Nai, sông Sêrêpôk…, nhiều thác nước như thác Gia Long, Đray Sáp, Đray Nu, Diệu Thanh…và thắng cảnh đẹp tạo nên một hệ thống tài nguyên vô giá cho phát triển thuỷ điện và du lịch văn hoá sinh thái.
    Đắk Nông được đánh giá là nơi có mỏ quặng Bôxit lớn nhất Đông Nam Á (trữ lượng khai thác khoảng 5 tỷ tấn) nằm cách trung tâm thị trấn Gia Nghĩa 20 km về phía đông bắc; mỏ đá quý Safia (Đắk Rung - Đắk Song - Đắk Nông), mỏ vàng với trữ lượng có khả năng khai thác lâu dài, tạo cho ngành công nghiệp năng lượng và khai khoáng của tỉnh một lợi thế thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
III. Tiềm năng kinh tế
1. Về Công nghiệp: Mặc dù mới chia tách tỉnh, nhưng ngành công nghiệp của tỉnh sớm được hình thành trên cơ sở khu công nghiệp Tâm Thắng và đang xúc tiến đầu tư khu công nghiệp Nhân Cơ. Ngoài hai khu công nghiệp này, tỉnh còn có nhiều nhà máy, xí nghiệp sản xuất tinh bột sắn, gỗ gia dụng, trang trí, nội thất, cà phê… đóng trên địa bàn các huyện. Đặc biệt ngành công nghiệp khai khoáng và thuỷ điện là thế mạnh phát triển của tỉnh đang được Chính phủ quan tâm đầu tư, với địa hình nhiều thác ghềnh, nhiều hệ thống các sông suối lớn đã tạo ra cho ngành công nghiệp năng lượng thuỷ điện một lợi thế rất lớn, các nhà máy thuỷ điện với công suất trên 1.000 MW đang đầu tư trên hệ thống các lưu vực sông Krông Nô, Sêrêpốk, Đắk Tih, bên cạnh đó tỉnh cũng đang kêu gọi đầu tư vào một số lĩnh vực chế biến nông sản, sản xuất phân bón NPK...
2. Về Thương mại: Ngành Thương mại của tỉnh đã và đang chuyển mình phát triển. Đak Nông có các tuyến đường giao thông thuận tiện, tiếp giáp với vùng kinh tế trọng điểm, năng động như Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai. Đây là một trong những điều kiện thuận lợi cho lưu thông hàng hoá của tỉnh với thị trường bên ngoài.  Ngành Thương mại Đắk Nông đang được tiến hành quy hoạch xây dựng sắp xếp theo hệ thống mở rộng giao lưu hàng hoá không chỉ cung cấp đủ nhu cầu trong tỉnh mà còn hướng về xuất khẩu các mặt hàng chủ lực. Hiện tại tỉnh Đắk Nông đã có 3 doanh nghiệp hoạt động kinh doanh xuất khẩu trực tiếp với một số ngành hàng như gỗ, cà phê, tinh bột sắn và khoáng sản.
    Định hướng trong thời gian tới, ngành thương mại - du lịch sẽ rà soát và xây dựng các
quy hoạch phát triển thương mại, phát triển hệ thống mạng lưới chợ, siêu thị và trung tâm thương mại; quy hoạch phát triển du lịch, quy hoạch phát triển hệ thống cửa hàng, kho dữ liệu bán buôn, bán lẻ xăng dầu, trung tâm thương mại và kinh tế thương mại biên giới tại hai cửa khẩu Bu Prăng và cửa khẩu Đắk Bơ trên địa bàn tỉnh đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020. Dự kiến đến năm 2010 tổng mức lưu chuyển hàng hoá bán lẻ trên thị trường đạt khoảng 2.500 tỷ đồng, kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 80 triệu USD, nhập khẩu 10 triệu USD
3. Về Du lịch: Đắk Nông có nhiều đồi núi, sông suối, thác nước và nhiều danh lam thắng cảnh, bên cạnh đó với 31 dân tộc anh em cùng sinh sống đã tạo nên một nét văn hoá đặc trưng, mang đậm bản sắc văn hoá của dân tộc bản địa như M, Nông, Ê Đê tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển du lịch văn hoá sinh thái, du lịch dã ngoại nghỉ dưỡng. Trong thời gian tới, ngành tập trung vào xây dựng các quy hoạch tổng thể và quy hoạch chi tiết để kêu gọi đầu tư vào một số điểm du lịch cụm thác như Trinh Nữ, Đray Sáp, Gia Long, Ba Tầng, thác Ngầm, khu du lịch sinh thái - văn hoá Liêng Nung, Đắk N,Tao, làng văn hoá M,Nông; Dự kiến đến năm 2010 doanh thu du lịch, dịch vụ khoảng 30 tỷ đồng, xây dựng 17 khách sạn tại trung tâm đô thị Gia Nghĩa với quy mô mỗi khách sạn từ 50 - 100 phòng, trong đó 10 khách sạn đạt tiêu chuẩn trên 3 sao.
    Để khuyến khích, kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư vào tỉnh, Uỷ ban nhân dân tỉnh Đắk Nông đã ban hành chính sách khuyến khích đầu tư vào một số ngành nghề, lĩnh vực trọng điểm trên địa bàn tỉnh như đầu tư phát triển du lịch, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng cơ sở hạ tầng.

GIỚI THIỆU KHÁI QUÁT VỀ TỈNH ĐỒNG NAI (31)
I. Điều kiện tự nhiên
1. Vị trí địa lý: Tỉnh Đồng Nai nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, thuộc Đông Nam Bộ, có diện tích tự nhiên là 5.862,37 km2 (bằng 1,76% diện tích tự nhiên cả nước và 25,5% diện tích tự nhiên vùng Đông Nam Bộ). Phía Bắc giáp tỉnh Lâm Đồng và Bình Dương; phía Đông giáp tỉnh Bình Thuận; phía Nam giáp tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và thành phố Hồ Chí Minh.
    Về ranh giới hành chính, Đồng Nai giáp các tỉnh Lâm Đồng, Bình Dương, Bình Phước, Bình Thuận, Bà Rịa – Vũng Tàu và thành phố Hồ Chí Minh. Đồng Nai có hệ thống giao thông thuỷ bộ, đường sắt nối liền với các địa phương khác trong cả nước, có sân bay quân sự Biên Hoà, là địa bàn trọng yếu về kinh tế, chính trị và an ninh quốc phòng, có vị trí quan trọng trong sự phát triển của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, gắn kết vùng Đông Nam Bộ với Tây Nguyên.
    Ngày 21/8/2003, Chính Phủ ban hành Nghị định số 97/2003/NĐ - CP về việc thành lập thị xã Long Khánh và các phường, xã trực thuộc thị xã Long Khánh, thành lập các huyện Cẩm Mỹ, Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai. Như vậy, hiện nay tỉnh Đồng Nai có tất cả là 11 đơn vị hành chính gồm thành phố Biên Hoà là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá của tỉnh, thị xã Long Khánh và  9 huyện: Long Thành, Nhơn Thạch, Thống Nhất, Vĩnh Cửu, Xuân Lộc, Định Quán, Tân Phú, Cẩm Mỹ, Trảng Bom.
2. Đặc điểm địa hình: Đồng Nai có địa hình trung du chuyển từ cao nguyên Nam Trung Bộ đến đồng bằng Nam Bộ. Nhìn chung địa hình tương đối bằng phẳng, có 82% đất có độ dốc <80, 10% đất có độ dốc <150, 8% đất có độ dốc >150. Trong đó đất phù sa, đất gley và đất cát có địa hình bằng phẳng, nhiều nơi trũng thấp ngập nước quanh năm; đất đen, nâu, xám, hầu hết có độ dốc <80, đất đỏ có độ dốc hầu hết <150, riêng đất tầng mỏng và đất đá bọt có độ dốc cao.
3. Khí hậu: Đồng Nai nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa. Nhiệt độ trung bình năm 25 – 270C, nhiệt độ cao nhất khoảng 20,50C, số giờ nắng trong năm 2.500 – 2.700 giờ, độ ẩm trung bình 80 – 82%. Trong năm có 2 mùa rõ rệt: mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 11, lượng mưa tương đối lớn, trung bình năm 1.700 – 1.800 mm. Mùa khô từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau, thời tiết nắng, nóng, độ ẩm thấp, có khi xuống dưới 70%.
II. Tài nguyên thiên nhiên
1. Tài nguyên đất: Tổng diện tích đất tự nhiên của tỉnh là 586.237 ha được chia thành 10 nhóm đất chính, trong đó: đất xám là loại đất có diện tích lớn nhất, chiếm 40,05% diện tích tự nhiên toàn tỉnh, thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp và nhất là cho xây dựng; đất đen chiếm 22,44% thích hợp trồng các loại cây hàng năm; đất đỏ chiếm 19,27% rất thích hợp trồng các loại cây công nghiệp dài ngày có giá trị kinh tế cao. Ngoài ra, các nhóm đất khác như đất phù sa ven sông Đồng Nai, đất gley (9,32%), chủ yếu dùng cho trồng lúa, rau, màu và các loại đất khác như đất nâu (1,94%), đất tầng mỏng (0,54%), đất cát (0,1%), đất có tầng loang lổ chỉ chiếm 0,02%, còn lại là đất đá bọt.
    Diện tích đất có chất lượng (độ phì, tầng dày) từ trung bình đến cao chiếm 44%. Đất có tầng mỏng dưới 50 cm, chất lượng kém chiếm 40% tổng quỹ đất. Nhìn chung, đất đai Đồng Nai không chỉ thích hợp cho sản xuất nông nghiệp mà còn thuận lợi cho xây dựng các công trình xây dựng.
    Trong tổng diện tích tự nhiên, diện tích đất nông nghiệp chiếm 49,1%, diện tích đất lâm
nghiệp chiếm 30,4%, diện tích đất chuyên dùng chiếm 13%, diện tích đất khu dân cư chiếm 2,1%, diện tích đất chưa sử dụng chiếm 5,4%. Khả năng phát triển các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao: cao su 45.000 ha, cà phê 25.000 – 27.000 ha, điều 30.000 – 35.000 ha, ngô 60.000 – 65.000 ha, sắn 13.000 ha, mía 14.000 ha, đậu nành 9.000 – 10.000 ha.
2. Tài nguyên rừng: Rừng Đồng Nai có đặc trưng cơ bản của rừng nhiệt đới, có tài nguyên động, thực vật phong phú đa dạng, tiêu biểu là rừng quốc gia Nam Cát Tiên. Năm 1976, tỷ lệ che phủ rừng còn 47,8% diện tích tự nhiên, năm 1981 còn 21,5%. Đến nay độ che phủ của rừng đã tăng lên đạt 26% tổng diện tích tự nhiên. Khu bảo tồn thiên nhiên rừng Nam Cát Tiên có nhiều loại động vật quý hiếm. Tổng diện tích đất lâm nghiệp hiện có 178.643 ha, trong đó rừng tự nhiên 110.678 ha, rừng trồng 39.596 ha.
3. Tài nguyên khoáng sản: Tài nguyên khoáng sản khá phong phú về chủng loại như: kim loại quý (vàng), kim loại màu (bôxít), đá quý, nguyên liệu gốm sứ (cao lanh, sét bột màu), vật liệu xây dựng, phụ gia xi măng, than bùn, nước khoáng và nước nóng… Đến nay, đã phát hiện hơn 200 mỏ và điểm khoáng sản, trong đó đáng chú ý là các khoáng sản phục vụ cho xây dựng như: đá xây dựng tập trung chủ yếu ở thành phố Biên Hoà và các huyện Thống Nhất, Xuân Lộc, Long Thành với tổng trữ lượng lớn (dự báo trên 300 triệu m3). Cát xây dựng chủ yếu trong trầm tích của sông Đồng Nai và một số sông khác với trữ lượng lớn dự báo trên 38 triệu m3. Nguồn sét gạch ngói khá phong phú, phân bổ ở hầu hết các địa phương trong tỉnh, tổng trữ lượng trên 85 triệu m3; 23 điểm tích mỏ phụ gia xi măng (puzơlan), có tổng trữ lượng trên 400 triệu tấn; 12 điểm mỏ laterit, dự báo trữ lượng trên 23 triệu tấn.
II. Tiềm năng kinh tế
1. Tiềm năng du lịch : Đồng Nai là vùng đất có nền văn minh cổ xưa với nhiều di tích văn hoá, lịch sử giá trị. Nhiều tuyến điểm du lịch đã và đang được hình thành như tuyến du lịch sông Đồng Nai - cù lao Phố - Bửu Long, tuyến du lịch Sông Mây - Trị An, tuyến du lịch thác Mai - suối Mơ, rừng nguyên sinh Nam Cát Tiên, tuyến du lịch Long Thành – cù lao Ông Cồn… Du lịch Đồng Nai chủ yếu hướng về tiềm năng văn hoá, lịch sử, sinh thái, dã ngoại.
2. Những lĩnh vực kinh tế lợi thế : Sau 10 năm, quy mô kinh tế của tỉnh (năm 2000) đã tăng gấp 3 lần (năm 1990), tích luỹ được hệ thống cơ sở vật chất, kỹ thuật đáng kể, tạo điều kiện thuận lợi tiếp tục phát triển ở giai đoạn tới. Tỉnh đã tạo ra sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng, trong đó công nghiệp và dịch vụ chiếm tỉ trọng lớn, đó là điều kiện cần thiết để thực hiện việc đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá.
    Sự tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp từ 20% năm 1990 lên 52% năm 2000 thể hiện năng lực sản xuất công nghiệp của tỉnh đã được mở rộng lên nhiều lần cả về quy mô và ngành, nghề. Đi kèm với năng lực đó là đội ngũ công nhân, lãnh đạo quản lý được trưởng thành cả về số lượng và chất lượng. Đây là một lợi thế lớn, cùng với việc tiếp tục thu hút đầu tư trong và ngoài nước, tỉnh có thể dựa vào những năng lực sản xuất hiện có để thực hiện những mục tiêu chiến lược trong giai đoạn tới.
    Tài nguyên đất và nước của Đồng Nai không chỉ thuận lợi cho phát triển công nghiệp, đặc biệt với quy mô lớn mà còn có thể phát triển nhiều vùng chuyên canh nông sản đặc thù, giá trị kinh tế cao, cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp chế biến phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu.

GIỚI THIỆU KHÁI QUÁT VỀ TỈNH ĐỒNG THÁP (32)
I. Điều kiện tự nhiên
1. Vị trí địa lý: Đồng Tháp là một tỉnh của vùng đồng bằng sông Cửu Long, ở đầu nguồn sông Tiền, phía Bắc giáp Long An, phía Tây Bắc giáp tỉnh Preyveng – Campuchia, phía Nam giáp An Giang và Cần Thơ. Tổng diện tích tự nhiên 3.238 km2 (có 2/3 diện tích tự nhiên thuộc khu vực Đồng Tháp Mười), với 9 huyện và 2 thị xã (Cao Lãnh và Sa Đéc), trung tâm tỉnh lỵ đặt tại Cao Lãnh.
    Đồng Tháp có đường biên giới quốc gia với Campuchia dài khoảng 50 km từ Hồng Ngự đến Tân Hồng, với 4 cửa khẩu (Thông Bình, Dinh Bà, Mỹ Cân và Thường Phước). Hệ thống đường quốc lộ 30, 80, 45 cùng với quốc lộ N1, N2 gắn kết Đồng Tháp với thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh trong khu vực.
2. Đặc điểm địa hình: Địa hình Đồng Tháp được chia thành 2 vùng lớn: vùng phía Bắc sông Tiền (có diện tích tự nhiên 250.731 ha, thuộc khu vực Đồng Tháp Mười, địa hình tương đối bằng phẳng, hướng dốc Tây Bắc – Đông Nam); vùng phía Nam sông Tiền (có diện tích tự nhiên 73.074 ha, nằm kẹp giữa sông Tiền và sông Hậu, địa hình có dạng lòng máng, hướng dốc từ hai bên sông vào giữa)
3. Khí hậu Đồng Tháp nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới, đồng nhất trên địa giới toàn tỉnh, có 2 mùa rõ rệt, mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 11, mùa khô từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau. Nhiệt độ trung bình năm là 82,5%, số giờ nắng trung bình 6,8 giờ/ngày. Lượng mưa trung bình từ 1.170 – 1.520 mm, tập trung vào mùa mưa, chiếm 90 – 95% lượng mưa cả năm. Đặc điểm khí hậu này tương đối thuận lợi cho phát triển nông nghiệp toàn diện.
II. Tài nguyên thiên nhiên
1. Tài nguyên đất: Đồng Tháp có 4 nhóm đất chính: nhóm đất phù sa (có diện tích 191.769 ha, chiếm 59,06% diện tích đất tự nhiên. Đây là nhóm đất  thuộc đã trải qua lịch sử canh tác lâu dài, phân bố khắp 10 huyện thị (trừ huyện Tân Hồng); nhóm đất phèn (có diện tích 84.382 ha, chiếm 25,99% diện tích tự nhiên, phân bố khắp 10 huyện, thị (trừ thị xã Cao Lãnh); đất xám (có diện tích 28.150 ha, chiếm 8,67% diện tích tự nhiên, phân bố chủ yếu trên địa hình cao ở huyện Tân Hồng và huyện Hồng Ngự); nhóm đất cát (có diện tích 120 ha, chiếm 0,04% diện tích tự nhiên, phân bố chủ yếu ở Động Cát và Gò Tháp, huyện Tháp Mười).
    Đất đai của Đồng Tháp có kết cấu mặt bằng kém bền vững lại tương đối thấp, nên làm mặt bằng xây dựng đòi hỏi kinh phí cao, nhưng rất phù hợp cho sản xuất lượng thực.
2. Tài nguyên rừng: Trước đây đa số các diện tích ẩm, lầy thấp ở Đồng Tháp Mười được bao phủ bởi rừng rậm, cây tràm được coi là đặc thù của Đồng Tháp Mười. Do khai thác không hợp lý đã làm giảm đến mức báo động, gây nên mất cân bằng sinh thái. Ngày nay, nguồn rừng chỉ còn quy mô nhỏ, diện tích rừng tràm còn dưới 10.000 ha. Động vật, thực vật rừng rất đa dạng có rắn, rùa, cá, tôm, trăn, cò, cồng cộc, đặc biệt là sếu cổ trụi.
    Theo số liệu thống kê  năm 1999, diện tích rừng của tỉnh có: rừng tràm 8.912 ha (phân bổ chủ yếu ở huyện Tam Nông, Tháp Mười, Cao Lãnh); rừng bạch đàn 144 ha (ở huyện Tân Hồng. Phân theo công dụng có: rừng đặc dụng 2.821 ha (phân bổ ở Vườn Quốc Gia Tràm Chim, Khu di tích Xẻo Quýt, Gò Tháp), rừng phòng hộ 2.287 ha, rừng sản xuất 3.951 ha. Phân theo thành phần kinh tế: Nhà nước 5.851 ha, tập thể và tư nhân 3.208 ha. Số lượng cây phân tán được tăng dần qua các năm, bình quân mỗi năm trồng mới khoảng 3 triệu cây, đến 2002 toàn tỉnh đạt khoảng 64 triệu cây phân tán các loại.
3. Tài nguyên khoáng sản:  Đồng Tháp là tỉnh rất nghèo về tài nguyên khoáng sản, chủ 
yếu có: cát xây dựng các loại, phân bố ở ven sông, cồn hoặc các cù lao, là mặt hàng chiến lược của tỉnh trong xây dựng; sét gạch ngói: có trong phù sa cổ, trầm tích biển, trầm tích sông, trầm tích đầm lầy, phân bố rộng khắp trên địa bàn tỉnh với trữ lượng lớn; sét cao lanh có nguồn trầm tích sông, phân bố ở các huyện phía bắc tỉnh; than bùn: có nguồn gốc trầm tích từ thế kỷ thứ IV, phân bố ở huyện Tam Nông, Tháp Mười với trữ lượng khoảng 2 triệu m3.
4. Tài nguyên nước: Nước mặt: Đồng Tháp Mười ở đầu nguồn sông Cửu Long, có nguồn nước mặt khá dồi dào, nguồn nước ngọt quanh năm không bị nhiễm mặn. Ngoài ra còn có hai nhánh sông Sở Hạ và sông Sở Thượng bắt nguồn từ Campuchia đổ ra sông Tiền ở Hồng Ngự. Phía Nam còn có sông Cái Tàu Hạ, Cái Tàu Thượng, sông Sa Đéc… hệ thống kênh rạch chằng chịt.
    Nước ngầm: Đồng Tháp có nhiều vỉa nước ngầm ở các độ sâu khác nhau, nguồn này hết sức dồi dào, mới chỉ khai thác, sử dụng phục vụ sinh hoạt đô thị và nông thôn, chưa đưa vào dùng cho công nghiệp.
III. Tiềm năng kinh tế
1. Tiềm năng du lịch: Tỉnh có nhiều điểm du lịch, như khu di tích Gò Tháp, khu di tích Xẻo Quýt, Lăng cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, Vườn Quốc gia Tràm Chim, Vườn cò Tháp Mười, Làng hoa cảnh Tân Quy Đông (Vườn hồng Sa Đéc)… Đến nay, các điểm thăm quan, du lịch của tỉnh mới được đầu tư, tôn tạo một phần, hệ thống cơ sở hạ tầng còn yếu kém, chưa đồng bộ nhất là giao thông, nên còn nhiều hạn chế, chưa tạo được sức hấp dẫn mạnh đối với du khách, chưa khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh của vùng sông nước Đồng Tháp Mười và biên giới đất liền  với Campuchia.
    Bên cạnh đó, tỉnh còn có các tuyến du lịch liên tỉnh, đưa khách nước ngoài từ thành phố Hồ Chí Minh về Đồng Tháp, đi An Giang, Cần Thơ, về thành phố Hồ Chí Minh; tuyến ngoại tỉnh, chủ yếu đưa khách trong tỉnh đi thăm quan các tỉnh khác như Vũng Tàu, Đà Lạt, Nha Trang…
2. Những lĩnh vực kinh tế lợi thế: Sản lượng lúa bình quân 5 năm 1996 – 2000 đạt 1,897 triệu tấn/năm, năm 2002 đạt 2,16 triệu tấn, lượng lúa hàng hoá đạt trên 1 triệu tấn – đây là một lợi thế để Đồng Tháp cung cấp gạo xuất khẩu cho các thị trường thế giới (hàng năm cung cấp bình quân 3.000 tấn gạo cho xuất khẩu). Năm 2002, tỉnh đã triển khai thực hiện dự án 120 nghìn ha lúa chất lượng cao, tăng thêm lượng gạo đạt tiêu chuẩn, giá trị cao cho xuất khẩu.
    Thuỷ sản được xác định là thế mạnh thứ hai, sau cây lúa của tỉnh, đã có bước phát triển khá cả về quy mô, phương thức nuôi trồng và chất lượng sản phẩm thuỷ sản. Giá trị tăng thêm của thuỷ sản năm 1995 đạt 158 tỷ đồng, đạt 246 tỷ đồng năm 2000 và đạt 270 tỷ đồng năm 2002. Tỉnh đã hình thành nhiều mô hình nuôi trồng thuỷ sản có sự kết hợp với trồng lúa, làm vườn, trồng rừng, chăn nuôi gia súc, gia cầm mang lại hiệu quả, như các mô hình: nuôi tôm đăng quầng, tập trung ở huyện Hồng Ngự, Tam Nông, Cao Lãnh năng suất phổ biến 3 – 5 tấn/ha; nuôi tôm trong bờ bao ruộng lúa ở huyện Lấp Vò, Lai Vung, Châu Thành, năng suất bình quân 200 kg/ha/vụ; nuôi cá ruộng lúa ở huyện Cao Lãnh, Tháp Mười, Lấp Vò, Lai Vung, năng suất bình quân 1 tấn/ha; nuôi cá ao hầm, mương vườn ở rải rác trong toàn tỉnh, năng suất bình quân 5 – 7 tấn/ha (một số ao nuôi cá lóc ở huyện Tam Nông, Tân Hồng, Hồng Ngự đạt từ 30 – 70 tấn/ha); nuôi cá lồng bè, tập trung ở huyện Hồng Ngự, Tam Nông, Tân Hồng và đã được nhân rộng ra các huyện thị trong tỉnh, năng suất bình quân 10 – 20 tấn/bè; đặc biệt phương thức nuôi cá trong lồng lưới ở huyện Tam Nông đã mang lại hiệu quả cao, do giảm chi phí đầu bào, ít bị rủi ro, dễ chăm sóc và thu hoạch. Thời gian gần đây đã có thêm hình thức nuôi cá sấu, ba ba ở một số huyện, thị trong tỉnh.
    Nguồn nguyên liệu nông - thuỷ sản dồi dào của tỉnh chính là lợi thế để phát triển ngành  công nghiệp chế biến. Năm 2002, ngành này đã đạt khoảng 1.370 tỷ đồng, chiếm 88,5% tỷ trọng của ngành công nghiệp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét